- Chi tiết
-
Được đăng: 19 Tháng 10 2020
Chiều ngày 13 tháng 10 năm 2020, tại trung tâm y tế thuộc lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu chính thức về dự án “Bác sĩ giải đáp. Chiến đấu với các bệnh đường hô hấp mạn tính.”
Buổi họp báo diễn ra với sự tham dự của:
TS Thomas Mourez, Tuỳ viên hợp tác y tế và phát triển xã hội tại đại sứ quán Pháp, Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát của quỹ toàn cầu tại Việt Nam, PGS TS BS Lê Thị Tuyết Lan, PGS BS Trần Văn Ngọc và các phóng viên báo đài.
Đại dịch Covid-19 rất đáng lo ngại, đè nặng lên những công dân toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chú ý đến các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, cũng nghiêm trọng không kém vì đó là các triệu chứng của hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có đến 329 triệu người bị hen suyễn, và 251 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên toàn cầu nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba thế giới với 3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Trang web bac-si-giai-dap.com là giai đoạn đầu tiên trong dự án hợp tác về y tế của hai quốc gia Pháp và Việt Nam. Mục tiêu của trang web chủ yếu tập trung vào ba khía cạnh:
1. Nâng cao nhận thức của người thân, bạn bè về các yếu tố nguy cơ nhằm phòng tránh các bệnh hô hấp mạn tính.
2. Đưa những người có triệu chứng đi chẩn đoán sớm để được chăm sóc kịp thời.
3. Giúp các bệnh nhân Việt Nam nắm bắt được các thông tin rõ ràng và đảm bảo.
Sáng kiến ”Bác sĩ giải đáp” được hỗ trợ bởi Hội đồng y khoa quy tụ những chuyên gia đầu ngành Pháp Việt: GS TS BS Đinh Xuân Anh Tuấn, GS Jean Bousquet, PGS TS BS Lê Thị Tuyết Lan, GS Marc Humbert, PGS TS BS Trần Văn Ngọc, GS BS Nicolas Roche. Một nhóm gồm các bác sĩ hô hấp Việt Nam, do Hội đồng Y Khoa lựa chọn, sẽ làm việc về nội dung trang web, và một công ty trẻ Pháp - Việt về các sáng chế trong Y tế (InnYTe) sẽ đảm nhiệm việc phát triển trang web.
Để giới thiệu tới người truy cập các thông tin rõ ràng và hữu ích, những thông điệp chủ đạo đã được lựa chọn dành cho những người quan tâm hoặc tò mò về trang web hay cho những bệnh nhân đã được chẩn đoán. Những thông điệp này đã được minh hoạ cẩn thận, giúp người truy cập dễ hiểu và ghi nhớ những lời khuyên hữu ích. Điều này nhằm trấn an và khuyến khích người truy cập nhận biết và tránh các nguy cơ, giúp tự chẩn đoán sớm để có thể được điều trị dễ dàng và ít tốn kém hơn, tự tin kiểm soát bệnh hàng ngày và tránh làm trầm trọng các triệu chứng dẫn đến việc phải nhập viện. Đối với những người truy cập mong muốn tìm hiểu thêm thông tin, những câu hỏi thường gặp về bệnh hen suyễn (34 câu hỏi giải đáp) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (35 câu hỏi giải đáp) sẽ được giới thiệu kèm theo câu trả lời. Sau đó, người truy cập cũng có thể gửi thêm những câu hỏi, nếu họ không tìm thấy thông tin đang tìm kiếm. Một quy trình đáng tin cậy và nghiêm ngặt sẽ được thực hiện đều đặn giúp làm phong phú trang web với nội dung được yêu cầu.
Vào năm 2021, trang web có thể sẽ được bổ sung thêm nhiều chức năng khác: bảng câu hỏi về triệu chứng và nguy cơ có thể giúp bệnh nhân chẩn đoán nhanh hơn cũng như nguồn chuyên gia chuyên nghiệp.
Cuối cùng, nếu trang web “bác sĩ giải đáp” tại Việt Nam phát triển thành công cũng như được bệnh nhân và chuyên gia y tế đánh giá cao, việc dịch sang các ngôn ngữ khác sẽ được thực hiện để hỗ trợ những nỗ lực chống lại các căn bệnh hô hấp mạn tính ở các nước lân cận như Indonesia hay Philippines
TS. Thomas Mourez khẳng định:” Nước Pháp từ lâu đã luôn hỗ trợ việc tăng cường nguồn lực Y tế tại Việt Nam, và từ 30 năm nay đã đào tạo được gần 3000 bác sĩ Việt Nam tại Pháp.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và dẫn đến việc đóng cửa biên giới, các cán bộ Y tế Việt Nam vẫn có thể tiếp tục sang Pháp để theo học các chương trình đào tạo bởi các chương trình hợp tác này luôn được Pháp dành sự ưu tiên hàng đầu.
Pháp đã đặt việc nâng cao và phòng ngừa y tế, cũng như cuộc chiến chống lại các căn bệnh không lây nhiễm nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của chiến lược Y tế toàn cầu 2017-2021 và nước Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến như vậy trong tương lai.”
GS-TS-BS Đinh Xuân Anh Tuấn, giáo sư Y học và Sinh lý học hô hấp tại Đại học Paris, Giám đốc đơn vị Sinh lý học lâm sàng, thuộc Khoa lồng ngực của Đại học Cochin Paris, Pháp.
“Mặc dù chúng ta hiện đang làm tất cả mọi thứ có thể để chặn đứng diễn tiến của đại dịch Covid-19, chúng ta cũng không thể bỏ quên những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, trong đó đứng hàng đầu là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản.
Việc điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản về cơ bản là điều trị dự phòng vì cần phải liên tục ngăn cản bệnh diễn tiến nặng dần, bằng cách giữ cho người bệnh duy trì một trạng thái lâm sàng ổn định thường xuyên trong thời gian dài nhất có thể.
Điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tốt sẽ mang lại lợi ích cho các bệnh nhân và gia đình của họ, cũng như cho xã hội Việt Nam.” GS-TS-BS Đinh Xuân Anh Tuấn cho biết.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan đã giới thiệu các tính năng của trang web bac-si-giai-dap.com cho buổi hội thảo.
PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội hô hấp Thành phố, nguyên Phó trưởng Khoa Y- Đại học y dược, Nguyên Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn nội Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội phổi Việt Nam đã có một bài báo cáo rất súc tích về tình hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam. PGS Ngọc nhấn mạnh về tổn thất kinh tế cũng như về mặt y tế, xã hội của hai bệnh này, nếu không được nhận biết và quản lý đúng đắn.
Buổi họp báo đã kết thúc lúc 16 giờ cùng ngày.
Điểm tin: Trần Thanh Lộc