- Chi tiết
-
Được đăng: 17 Tháng 11 2016
-
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – viết tắt là COPD) là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại(1).
-
COPD xếp hạng ba trong các nguyên nhân gây tử vong và là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu(2).
-
Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất của COPD. Ước tính có khoảng 329 triệu người mắc COPD trên toàn thế giới(3).
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15/11/2016, Hội Hô hấp Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Tp. Hồ Chí Minh phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính”, với cam kết đồng hành cùng cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – viết tắt là COPD) là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt cấp và bệnh đồng mắc góp phần làm tăng mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.
Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất của COPD(4). Những triệu chứng lâm sàng của COPD như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm và có tiền sử tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.
Bệnh nhân COPD thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi. Những bệnh đi kèm có thể xảy ra trên những bệnh nhân ở các mức độ tắc nghẽn dòng khí khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng và có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong một cách độc lập. Cần chủ động tìm và điều trị chuyên biệt các bệnh lý đi kèm này.
COPD xếp hạng ba trong các nguyên nhân gây tử vong và là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 329 triệu người mắc COPD trên toàn thế giới và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ COPD và tình trạng già đi của dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2% trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9%(5). Bệnh nhân COPD thường chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp và trong phòng chăm sóc tích cực lúc nào cũng có bệnh nhân COPD thở máy. COPD gây gánh nặng to lớn cho kinh tế Việt Nam, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.
Nhân Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính 2016, Hội Hô hấp TP.HCM và VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Tp. Hồ Chí Minhcùng chia sẻ về những khía cạnh khác nhau của căn bệnh này. Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng COPD là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm COPD giúp làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế xã hội. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về COPD, cũng như cập nhật kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh cho các cán bộ y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đối với những bệnh nhân mắc COPD, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như: không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá; tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành. Đây là hành động thiết thực, không chỉ bảo vệ sức khoẻ cá nhân người bệnh mà còn góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ cho cả cộng đồng.
PGS. TS. Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết: “Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân COPD phát hiện là ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng do biểu hiện bệnh ban đầu khá tương đồng với các bệnh hô hấp khác. Mặt khác, gánh nặng chi phí điều trị thường khiến bệnh nhân nản lòng và bỏ dở điều trị. Đứng trước thách thức to lớn ấy, ngoài việc đầu tư phát triển, đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị COPD ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhận thức người dân về COPD cũng như thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ”.
Là đơn vị đồng hành cùng Hội Hô hấp TP.HCM, trưởng VPĐD GSK Pte Ltd tại Tp. Hồ Chí Minh, Ông James Strenner chia sẻ: “GSK rất hân hạnh cùng Hội Hô hấp TP.HCM cùng chung tay hưởng ứng Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính, góp phần đẩy lùi COPD tại Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, GSK luôn nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển, nhằm đảm bảo những bệnh nhân COPD có thể tiếp cận với sản phẩm thuốc hô hấp của chúng tôi một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng góp phần tạo nên những đột phá mới trong phương thức điều trị cho các bệnh nhân COPD, nhằm cải thiện tình trạng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống.”
Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính được tổ chức bởi GOLD (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), phối hợp với các nhân viên y tế và các nhóm bệnh nhân COPD khắp thế giới. Mục tiêu của Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính là tăng cường sự hiểu biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện việc chăm sóc COPD trên khắp thế giới. Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính đầu tiên được tổ chức vào năm 2002. Mỗi năm, những người tổ chức tại hơn 50 quốc gia tiến hành các hoạt động, khiến ngày này trở thành một trong những sự kiện thông tin và giáo dục về COPD quan trọng nhất.
Thông tin thêm về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vui lòng truy cập http://goldcopd.org/
Thông tin thêm
Về Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh
Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh (HoChiMinh City Respiratory Society, viết tắt là HRS) được thành lập ngày 03/02/2007, hoạt động trong phạm vi TP. Hồ Chí Minh và là thành viên của Hội Y Học TP. Hồ Chí Minh.
Mục đích và tôn chỉ hoạt động của Hội Hô hấp TP.HCM là tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành Hô hấp trên mọi lãnh vực hoạt động và thành phần kinh tế; phấn đấu học tập, công tác, tham gia xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật chuyên ngành Hô hấp; giúp đỡ nhau không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, thực hành nghề nghiệp đúng theo chuẩn mực về nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ ngành y Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân. Hội hoạt động trên lĩnh vực Hô hấp cả nội và ngoại khoa, dựa trên một nền y học tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, từ Bệnh viện cho đến gia đình người bệnh và cộng đồng dân cư.
Về GlaxoSmithKline (GSK)
GSK – một trong những công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới – cam kết cải thiện sức khỏe con người, giúp mọi người làm được nhiều việc hơn, cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn. Để biết thêm thông tin, truy cập website http://vn.gsk.com
Những số liệu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
COPD là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012, bệnh được xếp hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn thế giới, giết chết hơn 3 triệu người(2).
COPD là căn bệnh gây nhiều tốn kém về chi phí y tế cũng như tổn thất về sức lao động của toàn xã hội. Phân tích các số liệu thống kê về gánh nặng kinh tế của COPD ở một số nước và một số khu vực cho thấy chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến bệnh rất lớn. Ví dụ như COPD đóng góp 50% chi phí chăm sóc sức khoẻ các bệnh hô hấp ở châu Âu; ước tính chi phí hằng năm dành cho COPD và thiệt hại do giảm năng suất lao động lên đến 48,4 tỷ euro(6).
Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%, nam: 7,1%, nữ: 1,9%; khu vực nông thôn: 4,7%, thành thị 3,3%, miền núi 3,6 %; miền Bắc: 5,7%, miền Trung: 4,6%, miền Nam: 1,9%. Dựa trên số liệu này đã ước tính ở nước ta có khoảng 1,3 triệu người mắc COPD cần chẩn đoán và điều trị(5).
Trong lĩnh vực điều trị tại bệnh viện, COPD cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD vào điều trị hàng ngày chiếm ¼ số bệnh nhân nằm điều trị(7)
Tỷ lệ mắc COPD thực tế còn cao hơn (nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán) do nhiều bệnh nhân không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, thậm chí cả với những trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào, nay xuất hiện ho khạc đờm kéo dài, những đối tượng này thường nghĩ đơn giản là ho xuất hiện ở người hút thuốc lá thuốc lào là bình thường. Bên cạnh đó còn có số lượng không ít các bệnh nhân bị bỏ sót do bệnh không được phát hiện một cách hệ thống ở các cơ quan xí nghiệp và thậm chí cả ở phòng khám của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
-
Global Initiative for Chronic Obstructive Pulmonary Disease: “Global strategy for the diagnosis, management and prevention of Chronic Obstructive Pulmonary Disease”, update 2015. Hoặc Decramer M, Janssens W, Miravitlles M (tháng 4 năm 2012). “Chronic obstructive pulmonary disease”. Lancet 379 (9823): 1341–51
-
World Health Organization. The top 10 causes of death. Truy cập tháng 10 năm 2015.
-
Vos et al. Global Burden of Disease Study 2013. The Lancet. 2015: 386(9995); 743-800
-
http://vatld.org.vn/Default.aspx?tabid=221&Culture=vi-VN&catID=341&entryID=58
-
World Health Organization. Chronic obstructive pulmonary disease. Truy cập tháng 10 năm 2015. Hoặc: Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn Viết Nhung và CS, Dich tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD ở Việt Nam và các biện pháp dự phòng, điều trị. Đề tài cấp nhà nước mã số KC.10.02/06-10, nghiệm thu 2010
-
European Lung White Book. The cost of respiratory disease. Truy cập tháng 10 năm 2015.
Code: VN/SFC/0074/16 CCNB: 9/11/2016