Kính gửi Quý Bác Sĩ, 

Trân trọng kính mời quí Bác sĩ tham dự chương trình hội thảo khoa học trực tuyến “QUẢN LÝ HEN TOÀN DIỆN” được phối hợp tổ chức bởi Liên chi Hội Hô Hấp TP. Hồ Chí Minh và VPĐD AstraZeneca Singapore Pte. Ltd. tại TP.HCM. 

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hô hấp tại Việt Nam: PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - chủ tọa hội thảo. Ông cũng là chủ tịch Liên chi Hội Hô Hấp TP. Hồ Chí Minh. PGS.TS.BS. Lê Tiến Dũng là báo cáo viên trong chương trình. Ông là trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện ĐH Y Dược và là phó chủ tịch Liên chi Hội Hô Hấp TP. Hồ Chí Minh. 

Hội thảo được truyền hình trực tuyến từ VPĐD AstraZeneca, lầu 18, tòa nhà AB, 76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM tới các bệnh viện và các bác sĩ trên toàn quốc. Quý Bác sĩ có thể tham dự chương trình thông qua các thiết bị di động thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính cá nhân. 

Thời gian: 11:30 – 12:30, Thứ 5, ngày 30 tháng 07 năm 2020

 Chương trình

11:30 – 11:35              Phát biểu khai mạc.

                                    PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc

 

11:35 – 12:00              Kiểm soát Hen toàn diện từ đợt cấp đến duy trì

                                    PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng

           

12:00 – 12:25              Thảo luận

12:25 – 12:30              Kết thúc

                                   PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc

  

Để tham dự buổi Hội thảo trực tuyến, xin mời quí vị nhấp vào đường link sau: https://bit.ly/az200730

Hoặc quét mã QR code:

Câu hỏi thảo luận

Các câu hỏi thảo luận đã được trả lời một phần trong phần thảo luận. Dưới đây là phần trả lời của báo cáo viên và chủ tọa cho các câu chưa được trả lời trong chương trình.

 

1.  Thưa thầy, bệnh nhân có triệu chứng hen khá rõ, nhưng đo hô hấp ký thì bình thường. Vậy mình có điều tri như bệnh hen không? 

TRẢ LỜI: Chức năng hô hấp bình thường không loại trừ hen phế quản. Phần lớn hen nhẹ, khi ngoài cơn sẽ có hô hấp ký bình thường. Điều trị các bước 1-3 dựa vào triệu chứng ban ngày và thức giấc ban đêm, không dựa vào Chức năng hô hấp. Khi đo chức năng phổi thấp thì áp dụng bước 4.

 

2. Thưa thầy, điều trị hen mà có chồng lắp COPD như thế nào ạ? 

TRẢ LỜI: ICS+ LABA là ưu tiên. Có thể bổ sung LAMA nếu ICS+ LABA không kiểm soát triệu chứng hay đợt cấp.

 

3. Thưa thầy, tại phòng khám ngoại trú đôi khi có bệnh nhân quay lại tái khám và khai là trong 3- 4 tháng qua chỉ sử dụng bình màu xanh cắt cơn, không có sử dụng bình duy trì. Nên tư vấn thế nào cho những bệnh nhân này, có nên đổi trị liệu sang liệu pháp Smart không ạ?

TRẢ LỜI: Viêm là nền tảng trong hen, do đó ICS là rất cần thiết. Sử dụng theo cách ICS+ LABA khi cần hay ICS liều thấp. Nếu bệnh nhân chỉ dùng cắt cơn bằng SABA sẽ rơi vào tình huống xuất hiện cơn nặng phải nhập viện  hay tử vong trong tương lai. Đa số bệnh nhân tử vong do hen là những người không dùng ICS hay quá lạm dụng SABA. Liệu pháp Smart có thể dùng cho mọi bênh nhân hen .

 

4. Mình có nói nhiều lạm dụng SABA (Ventolin) mà trong phác đồ mình vẫn để SABA + ICS, thực tế sẽ rất khó thay đổi thói quen của Bác sĩ, Bệnh nhân. Theo thầy có nên khuyến cáo ưu tiên bệnh nhân dùng Budesonide + Formonterol ngay từ đầu, chỉ như vậy bệnh nhân mới thay đổi thói quen nhanh nhất ạ?

TRẢ LỜI: Điều quan trọng BS cần hiểu là không bao giờ dùng SABA một mình. Trong hen phế quản dùng ICS đơn độc, hoặc ICS+ LABA là nền tảng trong điều trị hen. Bác sĩ cần tư vấn cho BN, SABA giống như paracetamol, chỉ hạ sốt chứ không trị nguyên nhân gây sốt. Dùng nhiều SABA cũng có hại như dùng nhiều paracetamol, gây hại gan và che mờ nguyên nhân gây bệnh.

 

5. Trong cơn hen cấp, mà dùng salbutamol, budesonide khí dung chưa kiểm soát được khó thở, thì sẽ dùng gì tiếp theo ạ, có nên dùng diaphyline hay salbutamol tĩnh mạch không ạ? Xin thầy chia sẻ kinh nghiệm. 

TRẢ LỜI: trong cơn hen, nếu salbutamol đơn độc không hiệu quả, cần phối hợp với ipratropium (combivent, berodual) sẽ hiệu quả hơn. Nếu là cơn trung bình – nặng, có chỉ định corticoid toàn thân (uống hay tiêm) trước khi nghĩ đến diaphyllin hay salbutamol tiêm tĩnh mạch vì có nhiều tác dụng phụ hơn. Khi đã dùng Diaphyllin hay salbutamol tiêm tĩnh mạch cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng. Bệnh nhân chưa chết vì cơn hen nhưng có thể chết vì tác dụng phụ của thuốc.

 

6. Thưa thầy cho em hỏi có một số bệnh nhân nữ giới lớn tuổi khi vào đợt cấp sức hít của họ khá yếu, Em thấy họ khá khó khăn khi hít Symbicort. Vậy trong trường hợp này mình nên dùng Seretide hơn không ạ? 

TRẢ LỜI: Hiện nay có Symbicort MDI. Nếu bệnh viện không có, thì đổi sang Seretide cũng là 1 lựa chọn.

 

7. Thưa thầy, cho em xin được hỏi về vấn đề kiểm soát hen ở bệnh nhân Đái tháo đường ạ. Em xin cảm ơn! 

TRẢ LỜI: Không khác gì so với người không tiểu đường. Nhưng khi dùng corticoid, đường huyết sẽ khó kiểm soát hơn, nhất là corticoid liều cao. Lúc đó điều chỉnh chế độ dùng thuốc và không dùng thuốc cho bệnh nhân để ổn định đường huyết. Lưu ý tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân của corticoid trên bệnh nhân đái tháo đường (nấm hầu họng, lao).

 

8. Thầy ơi, Em có bé 6 tuổi, thỉnh thoảng có ho 1, 2 tiếng, khò khè ít. Em có cần mua thuốc hen dự phòng cho bé không, Tiền sử mẹ bị hen ạ. Bé chưa đo hô hấp kí. 

TRẢ LỜI: Nếu bệnh kéo dài hay tái đi tái lại và nghe ran rít, ngáy khả năng cháu bị hen thì điều trị như hen. Em cần lưu ý khám kỹ đường hô hấp trên, các triệu chứng trên dễ nhầm. Mẹ hay bé khai có khò khè, đôi khi không chính xác. Sau khi ho khạc đàm sẽ hết khò khè, như vậy không phải do co thắt phế quản.

 

9. Thầy cho em hỏi, nếu bệnh nhân vào cơn hen và đã ra cơn bằng bình xịt định liều pMDI của họ thì có nên tiếp tục đến bệnh viện khám không ạ? 

TRẢ LỜI: Bệnh nhân này cần khám càng sớm càng tốt ở phòng khám hay bệnh viện tuỳ điều kiện bệnh nhân để tìm nguyên nhân đợt cấp, tư vấn, theo dõi và điều trị kiểm soát hen tối ưu.

 

10. Thưa Thầy: liệu pháp kích thích mà Thầy vừa nhắc thì có thể hướng dẫn bệnh nhân làm ở đâu ạ? 

TRẢ LỜI: hiện bệnh viện Vinmec Q1 TP. HCM có làm nghiệm pháp này. Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ thường cho điều trị thử 2 tuần. Nếu đáp ứng với điều trị hen, bệnh nhân được chẩn đoán là Hen phế quản. Test kích thích có thể làm khởi phát cơn hen, đôi khi rất nặng. Do đó, cần có phương tiện làm test hiện đại và chính xác cũng như bác sĩ có kinh nghiện xử trí cơn hen cấp.

Test kích thích với methacholin gọi là test kích thích không đặc hiệu, nếu dương tính được gọi là có tăng phản ứng tính của đường thở. Test kích thích đặc hiệu là dùng dị nguyên.

 

11. Dạ thưa thầy cho em hỏi là một bệnh nhân vài tháng có thể lên cơn hen nhẹ co thắt phế quản vài giờ không cần dùng thuốc ra cơn vậy có cần kiểm soát hen không ạ. khi nào thì bắt đầu từ bậc 1, khi nào từ bậc 2 ạ. Và cho em hỏi bậc 1 thì nếu dùng Symbicort thì 1 nhát hay 2 nhát 1 lần ạ? Em cám ơn ạ 

TRẢ LỜI : vài tháng lên cơn nhẹ , không có nghĩa trong tương lai sẽ không có những cơn hen nặng nguy hiểm . 15% tử vong từ những hen nhẹ và không dùng thuốc kiểm soát.  Nếu có triệu chứng < 2 lần /tháng à điều trị bước 1.

Nếu >/= 2 lần/ tháng và không phải hằng ngày à điều trị bước 2.

Triệu chứng gần như mỗi ngày hay thức giấc do hen >/= 1 lần/ tuần à điều trị bước 3.

Nếu có thêm CNHH thấp à điều trị bước 4.

Symbicort khi cần điều trị bước 1, cần 1 lần hít, tăng liều tuỳ đáp ứng.

 

12. Xin hỏi Thầy về liều sử dụng Pulmicort có phụ thuộc nhiều vào Kg nặng hay không? 

TRẢ LỜI: liều sử dụng Pulmicort không phụ thuộc vào kg cân nặng.

 

13. Khi kết hợp Salbutamol và Budesonide thì liều phun hít là khoảng bao nhiêu là phù hợp nhất ạ? 

TRẢ LỜI: Salbutamol 5mg: 4 – 6 ống/ngày; Budesonide 0,5mg: 4- 8 ống/ngày hoặc Budesonide 1mg: 2- 4 ống/ngày

 

14. Thầy cho em hỏi là cơn hen cấp trung bình có cần dùng ICS không ạ? 

TRẢ LỜI: Cơn hen cấp trung bình vẫn cần dùng corticoid, ICS là lựa chọn an toàn hơn cho bệnh nhân.

 

15. Trong 1 ngày liều cắt cơn của Symbicort sử dụng khi cần là bao nhiêu? 

TRẢ LỜI: Không quá 12 nhát, tính gộp cả liều điều trị hàng ngày đã dùng

 

16. Dấu hiệu nào ở bệnh nhân thì bắt đầu sử dụng liệu pháp SMART? 

TRẢ LỜI: Có biểu hiện của tình trạng tăng khó thở, cơn hen cấp.

 

17. Cho em hỏi về sử dụng Magiesulfat trong cắt cơn hen đợt cấp? Nếu bệnh nhân đã kiểm soát hen tốt 1 năm ngưng dùng Flixotide 1 tháng thì lên cơn lại, vậy mình nên tăng liều hay kết hợp thêm Monterlukast cho bệnh nhân? Nếu dùng lại Flixotide thì sẽ dùng tiếp 3 tháng hay dùng suốt đời vì bệnh nhân không thể ngưng dùng thuốc dự phòng được? 

TRẢ LỜI: Sử dụng Magne sulfat: Dùng Magne sulfat một liều 2g Tiêm tĩnh mạch khi bệnh nhân hen cấp không đáp ứng với điều trị ban đầu dãn phế quản SABA và SCS.

Kiểm soát hen tốt 1 năm ngưng dùng Flixotide 1 tháng thì lên cơn lại thì nên tăng liều, và nếu cần thì dùng ICS/LABA. Giảm liều dần và chọn liều ICS tối thiểu duy trì ổn định bệnh

 

18. Dạ thưa thầy, khi nãy thầy có trình bày về tác dụng phụ tức thời của OCS liên quan đến tâm thần kinh. Vậy thầy cho em hỏi rõ hơn về những dấu hiệu tâm thần kinh do dùng OCS được không ạ? 

TRẢ LỜI: Một số bệnh nhân bị sảng, mặt đỏ.

 

19. Thưa thầy, có bác sĩ tại Bệnh viện 74 Trung ương muốn hỏi tại sao dùng thuốc Corticoid đường toàn thân 2 lần/ngày? 

TRẢ LỜI: Dùng SCS một lần/ngày hay hai lần/ngày đều được, vì thời gian bán hủy của Prednisone/methyl prednisolone là khoảng 8-12 giờ; Ngoài ra khi dùng trong thời gian ngắn rồi ngưng thì cũng không bị biến chứng ức chế tuyến thượng thận

 

Vui lòng tham khảo thông tin kê toa các thuốc đã được phê duyệt tại Việt Nam cũng như các hướng dẫn điều trị liên quan đã được Bộ Y tế ban hành.