Các phương pháp thông khí

Ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thường có tình trạng tắc nghẽn các đường đẫn khí do viêm nhiễm mạn tính và ứ khí trong lồng ngực do các phế nang bị hư hỏng, mất tính co giãn. Hậu quả là không khí thường bị nhốt lại trong phổi kém lưu thông và dẫn đến thiếu oxy cho nhu cầu cơ thể.

Các phương pháp thông khí là các kỹ thuật nhằm khắc phục tình trạng ứ khí trong phổi và tăng cường cử động hô hấp của lồng ngực.

Hai kỹ thuật thông khí cơ bản:

- Thở chúm môi

- Thở cơ hoành

Thở chúm môi

Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn, nhờ vậy cô bác có thể hít được không khí trong lành. 

 Kỹ thuật

1. Tư thế ngồi thoải mái. Thả lỏng cổ và vai. Hít vào chậm qua mũi.

2. Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Thở chúm môi là một phương pháp thở khá hữu hiệu giúp cho cô bác giảm bớt tình trạng ứ khí trong lồng ngực và giảm bớt khó thở, lại rất dễ tập luyện. Mỗi khi cô bác bị khó thở, nên lập đi lập lại động tác thở chúm môi nhiều lần cho đến khi hết khó thở. Tập nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen. Khi đó, cô bác nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở, như đi cầu thang, tắm rửa, tập thể dục… 

Thở cơ hoành

Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của cơ hoành. Vì cơ hoành là cơ hô hấp chính, nếu cơ hoành hoạt động kém sẽ làm thông khí ở phổi kém và các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động.

Tập thở cơ hoành sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

Kỹ thuật

3. Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.

4. Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà. 

Các kỹ thuật thông đàm

Các kỹ thuật thông đàm là những được áp dụng khi cô bác có nhiều đàm nhớt trong phổi làm cản trở hô hấp hoặc khi cô bác gặp khó khăn trong việc khạc đàm. Các chất đàm nhớt bám trên thành các phế quản luôn luôn có tác động không tốt đến hô hấp vì đàm nhớt làm cho đường thở kém thông thoáng và làm cản trở luồng khí ra vào phổi. Ngoài ra, đàm nhớt ứ đọng nhiều trong phế quản cũng là nơi dễ gây nhiễm khuẩn từ đó dẫn đến nhiễm trùng hô hấp.

Mỗi khi các phế quản bám đầy đàm nhớt, theo phản xạ tự nhiên của cơ thể, ta luôn có cảm giác muốn ho do các kích thích ở cổ họng nhằm mục đích tống đàm ra ngoài. Tuy nhiên cơn ho xảy đến do phản xạ thường làm người bệnh mệt, khó thở nhưng lại không hiệu quả do luồng khí thường không đủ để đẩy đàm di chuyển. Nhiều khi cơn ho làm cho cô bác cảm thấy lo lắng và ngượng ngùng ở nơi công cộng. 

Kỹ thuật ho có kiểm soát là 1 động tác ho hữu ích giúp tống đàm ra ngoài, làm sạch đường thở nhưng không làm cho cho cô bác mệt, khó thở… Mục đích của ho có kiểm soát không phải để tránh ho mà lợi dụng động tác ho có hiệu để làm sạch các phế quản. Cô bác mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát để thay thế những cơn ho thông thường dễ gây mệt mà lại kém hiệu quả. 

Kỹ thuật ho có kiểm soát

 

Tuỳ  lực ho của mỗi người mạnh yếu khác nhau, có khi phải lập lại nhiều lần kỹ thuật này nhiều lần mới đẩy được đàm ra ngoài.

Như vậy, mỗi khi cô bác có cảm giác muốn ho, xin đừng cố gắng nín ho mà nên thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát để giúp tống đàm ra ngoài.

Kỹ thuật thở ra mạnh

Một số cô bác có lực ho yếu hoặc cũng bị mệt ngay cả khi dùng kỹ thuật ho có kiểm soát có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh. Kỹ thuật thở ra mạnh là kỹ thuật nhằm thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh không đủ lực để ho. Kỹ thuật thở ra mạnh gồm 4 bước

- Bước 1: Hít vào chậm và sâu.

- Bước 2: Nín thở trong vài giây.

- Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài sao cho âm thanh nghe được như tiếng “khà”.

- Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lập lại.

Hỗ trợ thông đàm

Bên cạnh các kỹ thuật thông đàm, cô bác nên chú ý đến các biện pháp hỗ trợ cho việc thông đàm. Cô bác nên uống đủ nước hàng ngày, trung bình từ 1lít – 1,5lít nước để làm đàm loãng và có thể khạc ra dễ dàng hơn. Cần lưu ý ở người lớn tuổi, cảm giác khát nước thường giảm so với lúc trẻ nên cô bác nên đong sẵn lượng nước uống hàng ngày hơn là chỉ uống khi thấy khát. Đặc biệt ở những cô bác thở oxy dài hạn tại nhà cần chú ý đến việc uống nước nhiều hơn vì khí oxy dễ làm khô các dịch tiết trong phế quản.

Ngoài ra, khi dùng thuốc ho, nên hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ nên dùng các loại thuốc ho long đàm, không nên dùng các thuốc có tác dụng ức chế phản xạ ho (Terpin codein…)

Tóm lại, thông khí và thông đàm là các phương pháp hỗ trợ cần thiết cho hô hấp, giúp cho cô bác thở dễ dàng hơn, giảm bớt khó thở, giảm bớt ứ khí trong lồng ngực và có thể tống đàm ra ngoài hiệu quả mà không bị mệt. 

BS Tường Oanh