Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

PHÒNG NGỪA UNG THƯ PHỔI

Cơ hội phát sinh ung thư phổi là gì?

Nguyên nhân số 1 của ung thư phổi là phơi nhiễm khói thuốc lá. Cơ hội tăng lên theo số lượng thuốc lá bạn hút và số năm bạn hút. Bạn hút thuốc càng nhiều hoặc phơi nhiễm khói thuốc lá từ người khác (hút thuốc thụ động) càng nhiều, cơ hội phát sinh ung thư phổi càng lớn. Những người chưa bao giờ hút thuốc có thể bị ung thư phổi, nhưng cơ hội của họ ít hơn nhiều so với người hút thuốc hoặc người đã từng hút thuốc.

 

Có thể làm gì để giảm nguy cơ phát sinh ung thư phổi?

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ là tránh khói thuốc lá. Không khi nào là quá muộn để ngừng hút thuốc, nhưng bạn ngừng càng sớm càng tốt. Ngay cả khi không thể bỏ thuốc lá hoàn toàn, việc giảm số lượng thuốc lá bạn hút cũng hữu ích, nhưng việc cắt giảm không tốt bằng cách bỏ thuốc lá hoàn toàn.

Có nhiều cách để ngừng hút thuốc, bao gồm tư vấn, nicotin thay thế và thuốc men. Hầu hết mọi người phải bỏ thuốc nhiều lần trước bỏ hẳn. Vì vậy, đừng nản chí. Nếu lần đầu không thành công, hãy tiếp tục!

Có cách nào khác để làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi?

Có nhiều cách có thể kéo giảm nguy cơ của bạn, nhưng không có cách nào được chứng minh:
+ Ăn nhiều trái cây
+ Thể dục đều đặn
+ Thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen)
+ Thuốc corticosteroid dạng hít (dùng cho khí phế thủng và hen suyễn)
+ Thuốc statin (dùng cho tăng cholesterol)

Ăn nhiều trái cây và tập thể dục ít khả năng gây hại, nhưng bạn hãy nói chuyện với nhân viên y tế trước khi thực hiện những thay đổi lớn trong chế độ ăn uống và hoạt động, và trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào, kể cả việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc không kê đơn.

Có những gì làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi?

Có một số thứ chúng ta biết làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Có những thứ khác có thể làm tăng nguy cơ nhưng chúng ta không có đủ thông tin để nói chắc chắn. Những thứ làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi và nên tránh nếu được là:
+ Khói thuốc lá
+ Amiăng (asbestos), một chất khoáng trước đây sử dụng trong các vật liệu xây dựng, vẫn còn trong một số nơi.
+ Radon, một loại khí phóng xạ có thể được tìm thấy trong môi trường.
+ Phụ gia beta-carotene liều cao (một chất màu được tìm thấy trong rau quả) cao hơn Mức Cho phép Hàng ngày (Recommended Daily Allowance). Nguy cơ cao chủ yếu được thấy ở những người trước đây hút thuốc và hiện đang hút thuốc.

 

Những thứ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi bao gồm:

+ Bổ sung vitamin E với liều cao (Mức Cho phép Hàng ngày)
+ Liệu pháp thay thế hormone (estrogen cộng với progestin)
+ Nghiện rượu nặng

Nói chuyện với nhân viên y tế về những nguy cơ và lợi ích trước khi bắt đầu hoặc ngừng uống bất kỳ loại thuốc hoặc vitamin nào.

Về tầm soát ung thư phổi?

Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi là bỏ thuốc lá. Chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm, trước khi nó gây ra các triệu chứng và khi nó có thể được điều trị tốt nhất cũng mang lại lợi ích to lớn. Việc này được gọi là tầm soát. Cho đến gần đây, không có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của việc tầm soát nên nó không được khuyến cáo.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy sử dụng chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) ngực hoặc phổi, để tầm soát đã làm giảm số lượng người chết vì ung thư phổi. Do đó một vài tổ chức, bao gồm Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ và Đội Đặc nhiệm Phòng bệnh Hoa Kỳ hiện nay đề nghị các nhân viên y tế xem xét cho chụp CT ngực để tầm soát ung thư phổi cho người lớn có tiền sử hút thuốc lá. Nói chuyện với nhân viên y tế về những rủi ro và lợi ích của việc tầm soát cho bạn.

Tóm tắt

Ung thư phổi là một dạng ung thư thường gặp. Có những thứ bạn có thể làm để giảm nguy cơ ung thư phổi.
+ Ngưng hút thuốc lá
+ Yêu cầu nhân viên y tế giúp bạn cai thuốc, bao gồm cả việc sử dụng thuốc để giúp cai nghiện nicotine
+ Thảo luận với nhân viên y tế về những gì bạn đang thực hiện để giảm nguy cơ ung thư phổi.

Tác giả: Tác giả: Christopher Slatore MD; Marianna Sockrider, MD, DrPH

Người dịch: Trần Thanh Lộc - BS Lê Thị Tuyết Lan

Nguồn tài liệu

American Lung Association

www.lungusa.org 

American Thoracic Society

patients.thoracic.org

National Cancer Institute

www.cancer.gov/cancertopics/tobacco/smoking

http://www.cancer.gov/newscenter/qa/2002/NLSTstudyGuidePatientsPhysicians

National Cancer Institute’s guide to the risks and benefits of lung cancer screening

Free to Breathe

www.freetobreathe.org

 

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân