Nhu cầu đi lại, nhất là đi lại bằng máy bay ở bệnh nhân BPTNMT là một nhu cầu thật sự, không chỉ là nhu cầu đi du lịch, thăm viếng bạn bè người thân mà còn giúp cho người bệnh có thể sống chung với bệnh một cách năng động và tự chủ. Tuy nhiên, để có thể được an toàn trong suốt chuyến bay, người bệnh cần được xem xét đánh giá cẩn thận các nguy cơ và có những hướng dẫn thích hợp.

PaO2 trên khoang máy bay

Bên trong các khoang hành khách của máy bay, người ta thường tạo áp lực tương đương với áp lực khí quyển ở độ cao 5000 – 8000 feet (# 1524 – 2438m) đối với máy bay thông thường và 6000 feet (# 1829m) đối với máy bay siêu thanh để tránh gây cảm giác khó chịu cho hành khách. Với áp lực khí quyển thấp như thế, PIO2 (Partial pressure of inspired oxygen = áp suất khí oxy trong hơi thở vào) sẽ giảm do PIO2 phụ thuộc vào áp lực khí quyển theo công thức

            PIO2 = (PB – 47mmHg)      x FIO2.

PIO2 giảm tương đương mức nồng độ oxy 15,1% - 17,1% ở ngang mực nước biển sẽ dẫn đến hạ oxy máu (paO2 xấp xỉ 53 – 64mmHg hay SpO2 85 – 91%).

Ở người bình thường, tình trạng hạ oxy máu này thường được thích nghi và không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có bệnh hô hấp, hạ oxy máu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu oxy máu vốn có và có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, áp lực khí quyển thấp dễ gây nguy cơ vỡ các bóng khí trong phổi do giãn nỡ khí gây tràn khí màng phổi.

Chỉ định đánh giá nguy cơ hạ oxy máu trên máy bay:

Các đối tượng sau đây cần đánh giá nguy cơ hạ oxy máu trước chuyến bay:

COPD trung bình và nặng, hen kiểm soát kém.

Bệnh phổi hạn chế (bao gồm cả bệnh lý thành ngực và bệnh cơ hô hấp) nhất là có kèm hạ oxy máu và/hoặc tăng CO2 máu.

Bệnh xơ nang.

Tiền sử có các triệu chứng hô hấp khi đi máy bay (khó thở, đau ngực, lú lẫn hoặc ngất).

Có các bệnh đồng mắc có thể nặng hơn vì hạ oxy máu (bệnh mạch máu não, bệnh mạch vành, suy tim…)

Vừa xuất viện trong 6 tuần trước vì suy hô hấp cấp.

Tràn khí màng phổi mới đây.

Nguy cơ hoặc tiền sử có huyết khối tĩnh mạch.

Đang có nhu cầu thở oxy hỗ trợ hoặc thông khí nhân tạo.

Trẻ có bệnh lý hô hấp bẩm sinh. (trẻ sơ sinh bình thường chỉ được bay khi hơn 1 tuần tuổi).

Các bước tầm soát hạ oxy máu trên máy bay

1.    Bước 1: Đo SpO2:

· Nếu SpO2 > 95%: Không cần thở oxy trên chuyến bay.

· Nếu 92% < SpO2 < 95% và không có thêm các yếu tố nguy cơ: Không cần thở oxy trên chuyến bay.

· Nếu 92% < SpO2 < 95% và có thêm các yếu tố nguy cơ: Chuyển sang thực hiện các phép đánh giá bước 2.

·  Nếu SpO2 < 92%: Người bệnh bắt buộc phải dùng oxy hỗ trợ trên chuyến bay.

·  Đang thở oxy khi ngang mực nước biển: Tiếp tục thở oxy trên máy bay với lưu lượng cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ           

+ Tăng CO2 máu.

        + FEV1 < 50% dự đoán

        + Hội chứng hạn chế bao gồm cả bệnh nhu mô phổi, bệnh lồng ngực hoặc bệnh cơ hô hấp.

        + Bệnh mạch máu não hoặc bệnh tim mạch.

        + Vừa xuất viện trong 6 tuần trước vì đợt cấp của bệnh phổi mạn hay bệnh tim mạch.

2.    Bước 2: Dự đoán hạ oxy máu trên máy bay:

Nghiệm pháp đi bộ 50m:

Là phương pháp cổ điển, dễ thực hiện nhưng kém chính xác và khá bất tiện cho những người bệnh hạn chế khả năng đi lại. Nếu người bệnh không thể hoàn tất đoạn đường 50m hoặc bị khó thở trung bình và nặng (đo bằng thang điểm thị lực), nhiều khả năng những người cần phải thở oxy trên máy bay.

Dự đoán qua phương trình hồi quy:

Có thể ước tính mức paO2 trên máy bay dựa theo 1 trong các phương trình sau đây (đơn vị mmHg):

(1)   PaO2 trên máy bay =  0,410 x PaO2 mặt đất  + 17,652  

(2)   PaO2 trên máy bay = 0.519 x PaO2 mặt đất + 11,855 x FEV1 (lít) – 1,760

(3)   PaO2 trên máy bay = 0,453 x PaO2 mặt đất + 0,386 x (FEV1 % pred) +2,44

(4)   PaO2 trên máy bay = 0,74 + (0,39 x PaO2 mặt đất) + (0,033 x DLCO % P)

Nếu paO2 trên máy bay dự đoán < 50 mmHg, người bệnh bắt buộc phải dùng oxy hỗ trợ trên máy bay. Phương pháp này dễ thực hiện nhưng kém chính xác, thường dự đoán quá mức tình trạng thiếu oxy máu trên máy bay.

Dự đoán bằng nghiệm pháp HAST (Hypoxia altitude simulation test):

-   Người bệnh được cho thở hỗn hợp khí nitrogen và oxy với nồng độ oxy là 15,1% hoặc dùng mặt nạ Venturi điều chỉnh ở mức 35% với nitrogen là khí nguồn (các nồng độ oxy này được cho là tương đương với nồng độ oxy ở độ cao 8000 feet).

-   Đo khí máu động mạch lần 1 lúc bắt đầu nghiệm pháp, theo dõi liên tục sinh hiệu, SpO2, ECG và các triệu chứng như khó thở, đau ngực.

-   Đo khí máu động mạch lần 2 sau 20 phút hoặc ngay khi SpO2 giảm < 85%. Nếu kết quả cho thấy

+ paO2 > 55 mmHg: Người bệnh không cần thở oxy trên máy bay.

+ paO2 < 50 mmHg: Người bệnh bắt buộc phải thở oxy trên máy bay.

+ 50 mmHg < paO2 < 55 mmHg: Người bệnh cần thực hiện một test gắng sức nhẹ như đi bộ, sau đó đo lại khí máu động mạch.

Nghiệm pháp này khá chính xác, tuy nhiên đòi hỏi dụng cụ và ê kíp chuyên môn nên khó thực hiện ở nhiều nơi.

Dự đoán bằng buồng áp suất thấp:

Người bệnh được đưa vào buồng kín, điều chỉnh áp suất khí quyển tương đương với độ cao 8000 feet. Phương pháp này rất chính xác nhưng đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền nên chỉ dùng cho các nghiên cứu.

Điều chỉnh lưu lượng oxy trên máy bay:

Hầu hết các hãng hàng không đều cung cấp lưu lượng oxy trên máy bay từ 2 – 4l/ph. Chọn lựa lưu lượng oxy thích hợp trên máy bay có thể được xác định khi thực hiện nghiệm pháp HAST với liều oxy cần thiết để đưa SpO2 người bệnh > 90%. Nếu nghiệm pháp này không được thực hiện, lưu lượng oxy dùng trên máy bay là 2 lít/ phút qua cannula mũi hoặc mặt nạ Venturi 24 – 28% là thích hợp, nếu dùng lưu lượng cao hơn (4l/ph) sẽ làm paO2 cao hơn so với paO2 ngang mực nước biển. Dùng cannula mũi tốt hơn dùng mặt nạ thở oxy thông thường trên máy bay vì khí thở lại có thể làm tăng ứ đọng CO2 ở những bệnh nhân nhạy cảm. Nếu bệnh nhân đang được thở oxy dài hạn trước đó, lưu lượng oxy khi lên máy bay sẽ là lưu lượng oxy đang dùng cộng thêm 1 – 2 lít/ phút.

Phương tiện thở oxy trên máy bay:

Các loại bình oxy nén, máy tạo oxy và bình oxy lỏng riêng của bệnh nhân đều không được phép đưa lên máy bay. Một số hãng hàng không thường cung cấp cho hành khách máy tạo oxy dùng pin, một số hãng khác sử dụng bình oxy nén với vật liệu đặc biệt chống lửa và có thể thu phí thêm tùy theo quy định.

TS BS Đỗ thị Tường Oanh
BV Phạm Ngọc Thạch

 

Tài liệu tham khảo

1.   British Thoracic Society. Managing passengers with respiratory disease planning air travel file://www.brit-thoracic.org.uk/ portals/Clinical%20Information/ Air%20Travel/G uidelines/ FlightRevision04.pdf (Accessed on May 13, 2010).

2.  Ahmedzai S, Balfour-Lynn IM, Bewick T, et al. Managing passengers with stable respiratory disease planning air travel: British Thoracic Society recommendations. Thorax 2011; 66 Suppl 1: i1