Những ích lợi khi cai thuốc lá

  • Ích lợi về mặt sức khỏe: Cai thuốc lá đem lại những ích lợi rõ rệt về mặt sức khỏe.

- Đối với các bệnh lý tim mạch có liên quan đến thuôc lá, cai thuốc lá có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn diễn tiến bệnh và có ích lợi tức thì. Nguy cơ bị bệnh mạch vành sẽ bắt đầu giảm ngay trong ngày thứ hai sau khi cai thuốc lá nhờ giảm rõ rệt tình trạng thiếu máu cục bộ ở cơ tim. Nếu cai thuốc lá được 1 năm, nguy cơ bị bệnh tim mạch chỉ còn phân nửa so với người hút thuốc lá và nếu cai thuốc lá được 15 năm, nguy cơ mắc bệnh sẽ trở lại như người bình thường không hút thuốc lá.

- Kém may mắn hơn, đối với bệnh ung thư, sau nhiều chục năm hút thuốc lá, cai thuốc lá không giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh trở lại như người bình thường. Khói thuốc lá tích lũy từ ngày này sang ngày khác đã có tác động sâu sắc lên phế quản làm biến đổi cấu trúc và gây ung thư. Tuy vậy, cai thuốc lá cũng giúp làm giảm bớt tiến triển của bệnh và nếu cai thuốc lá sớm trước tuổi 40 thì nguy cơ ung thư phổi cũng giảm đi nhiều.

- Đối với bệnh phổi, cai thuốc lá giúp làm chậm lại sự sụt giảm chức năng hô hấp và nếu bạn cai được thuốc lá sớm trước tuổi 50, sự sụt giảm chức năng hô hấp của bạn có thể xấp xỉ như người bình thường (ở người bình thường, chức năng hô hấp cũng sẽ giảm dần theo tuồi tác nhưng ở một nhịp độ rất chậm). Ở những người đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cai thuốc lá chính là biện pháp duy nhất có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp vốn diễn ra khá nhanh sẽ dẫn đến tàn phế hô hấp. Thật ra, cho đến nay các loại thuốc dùng điều trị bệnh như thuốc giãn phế quản chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng giúp làm giảm bớt phần nào triệu chứng khó thở chứ không có tác dụng làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp như cai thuốc lá. Dù đã được dùng thuốc đầy đủ và đúng cách mà không cai thuốc lá thì bệnh cũng không cải thiện chút nào. Vì vậy, cai thuốc lá được xem là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh. Cai thuốc lá đem lại lợi ích ở tất cả các giai đoạn của bệnh, từ giai đoạn 0 khi người hút thuốc lá bắt đầu xuất hiện các nguy cơ của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng gây tàn phế hô hấp. Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, dù đã hút thuốc lá nhiều hay ít, dù thuốc lá đã ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe của bạn, cai thuốc lá cũng đem lại ích lợi cho sức khỏe của bạn. Cai thuốc lá càng sớm thì ích lợi càng nhiều. Hình minh họa dưới đây cho thấy cai thuốc lá không bao giờ là quá muộn.

Bảng sau đây cho thấy các lợi ích về sức khỏe tức thời cũng như lâu dài của cai thuốc lá.

CÁC LỢI ÍCH VỀ SỨC KHỎE CỦA CAI THUỐC LÁ

Sau 20 phút cai thuốc lá

  • Huyết áp và nhịp tim trở về bình thường

  • Nhiệt độ đầu ngón tay ngón chân trở về bình thường

Sau 8 giờ cai thuốc lá

  • Nồng độ khí các – bô – níc trong máu trở về bình thường

  • Lượng oxy trong máu trở về bình thường

Sau 24 giờ cai thuốc lá

  • Giảm nguy cơ cơn đau tim đột ngột

Sau 48 giờ cai thuốc lá

  • Bắt đầu tái tạo các đầu tận cùng dây thần kinh

  • Khứu giác và vị giác bắt đầu trở lại bình thường

Từ 2 tuần đến 3 tháng cai thuốc lá

  • Cải thiện hệ tuần hoàn

  • Đi bộ dễ dàng hơn

  • Chức năng phổi cải thiện 30%

Từ 1 đến 9 tháng cai thuốc lá

  • Giảm các triệu chứng mạn tính như ho, nghẹt mũi, mệt mỏi, khó thở…

  • Hoạt động của phế quản trở về bình thường

Sau 1 năm cai thuốc lá

  • Các nguy cơ bệnh mạch vành chỉ bằng ½ những người hút thuốc lá

Sau 5 năm cai thuốc lá

  • Khả năng bị tử vong do ung thư giảm gần phân nửa so với người hút thuốc lá 1gói/ngày

  • Nguy cơ bị ung thư miệng bằng phân nửa người hút thuốc lá

Sau 10 năm cai thuốc lá

  • Khả năng tử vong do ung thư tương đương với người không hút thuốc lá

  • Các tế bào tiền ung thư được thay bằng tế bào bình thường

  • Khả năng bị đột quỵ giảm gần như tương đương người không hút thuốc

  • Giảm khả năng bị ung thư miệng, hầu, thực quản, bàng quang, thận và tuỵ tạng.

  • Giảm khả năng ung thư phổi 30 – 50%

Sau 15 năm cai thuốc lá

  • Khả năng mắc bệnh mạch vành tương đương người không hút thuốc lá.

  • Khả năng ung thư phổi tương đương người không hút thuốc lá

  • Ích lợi về mặt xã hội: Bên cạnh những ích lợi về mặt sức khỏe, cai thuốc lá còn đem lại nhiều lợi ích khác mà trước mắt là những lợi ích về mặt kinh tế. Ngòai việc tiết kiệm được số tiền không nhỏ từ khỏan chi phí mua thuốc hút, bạn còn tránh được những thiệt hại về thu nhập do mất ngày công lao động vì phải đi khám chữa bệnh hoặc nằm viện. Ông bà ta vốn chẳng đã có câu “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng” đó sao? Cai thuốc lá còn đem lại một tinh thần sảng khóai, một cảm giác không còn bị lệ thuộc, một khả năng có thể tự khẳng định mình. Đối với những người xung quanh, cai thuốc lá còn làm giảm bớt nguy cơ bị bệnh của những người thân trong gia đình và trở thành tấm gương tốt cho con cái noi theo. Đứng ở mức độ quốc gia, cai thuốc lá cũng cho thấy rất ích nước lợi nhà: số liệu từ nhiều nước cho thấy hiệu quả của các chương trình cai thuốc lá giúp tiết kiệm được từ 990 đến 13000 USD mỗi năm.

Các khó khăn của việc cai thuốc lá – Các triệu chứng do thiếu nicotin đột ngột:

Lợi ích của cai thuốc lá thì đã rất rõ ràng thế nhưng việc cai thuốc lá thì lại không dễ dàng chút nào. Cai thuốc lá không đơn giản chỉ là việc từ bỏ một thói quen lâu ngày. Chất nicotin có trong thuốc lá chính là 1 chất gây nghiện, nó tác động lên não theo cách tương tự như héroin và cocain và tạo ra cảm giác sảng khoái. Trong xếp loại mức độ gây nghiện của các thuốc gây hưng phấn thần kinh, nicotin được xem là dễ gây nghiện hơn cả heroin, cocain, rượu, cà phê và cần sa. Vì lẽ đó, có rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được thuốc lá dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện. Phần lớn đều phải cai thuốc lá đến lần thứ 3 mới thành công. Tỉ lệ cai thuốc lá hàng năm chỉ khoảng 2.5%. Việc khó bỏ thuốc lá này được giải thích một phần là do nồng độ cotinine (chất chuyển hóa của nicotine) tăng cao trong máu.

Các triệu chứng xuất hiện khi bỏ thuốc lá thay đổi theo từng người nhưng nhìn chung thì rất khó chịu và khó dung nạp. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, dễ kích động, khó ngủ, mất tập trung, thèm ăn, giảm nhịp tim…Thông thường thì các triệu chừng này kéo dài không quá một tuần sau khi ngưng thuốc.

Ngoài ra, một trong những khó khăn có thể gặp phải khi bỏ thuốc lá là tình trạng tăng cân. Sự tăng cân này lại là một trong những yếu tố nguy cơ cho bệnh mạch vành, đồng thời lại ảnh hưởng xấu đến khía cạnh thẩm mỹ nhất là ở phái nữ, do đó có thể gây trở ngại trong việc tham vấn bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân BPTNMT có hút thuốc lá phần lớn đều có kèm theo suy dinh dưỡng, khi đó tăng cân do cai thuốc lá lại trở thành điểm thuận lợi góp phần điều chỉnh tình trạng suy dinh dưỡng cho người bệnh.

Cai thuốc lá không những khó khăn do lệ thuộc nicotin, người ta nhận thấy người nghiện thuốc lá còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý xã hội khác và vì vậy làm cho việc bỏ thuốc lá càng khó khăn hơn. Nghiện thuốc lá được xem là một tính cách xã hội phức tạp, là sự kết hợp giữa các thói quen, suy nghĩ, tình cảm, các hoạt động và công việc hàng ngày. Có nhiều người hút thuốc lá vì thói quen, và thói quen này dường như gắn liền với các công việc hàng ngày ở nhà cũng như ở nơi làm việc. Có người cho rằng hút thuốc lá giúp kích thích khả năng sáng tạo, có người lại hút thuốc lá để giết thời gian, để thư giãn, để tay chân đỡ thừa thải… Thậm chí có thời gian, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hình ảnh của thuốc lá được xem như một biểu tượng của sự sành điệu, tự do và hiện đại…Vì vậy, thật khó mà cắt đứt một thói quen hay một nếp suy nghĩ lâu đời.

Làm thế nào để cai thuốc lá?

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua mẩu chuyện hài:

“ Một bệnh nhân đến khám bác sĩ và nhận được lời khuyên:

  • Anh cần phải bỏ thuốc lá! Anh có làm được không?

  • Dạ thưa bác sĩ , chuyện đó dễ lắm, tôi đã bỏ thuốc lá được 7 – 8 lần rồi !

  • ?!? “

Tuy đây chỉ là mẩu chuyện hài nhưng nó phản ánh 1 thực tế rất phổ biến là việc bỏ thuốc lá thật không dễ dàng chút nào, ngay cả đối với những người được coi là rất năng động và tự chủ và rất dễ bị tái nghiện. Muốn cai thuốc lá cần phải được chuẩn bị tư tưởng 1 cách chu đáo và phải có kế họach hẳn hoi. Một kế họach cai thuốc lá bao gồm các biện pháp cụ thể để có thể tự chính mình quyết tâm không hút thuốc lá và giữ vững ý chí này trong 1 thời gian dài, bên cạnh đó là cách sử dụng các lọai thuốc cần thiết để hỗ trợ cho cho người muốn cai thuốc lá vượt qua được tác dụng gây nghiện của nicotin. Cần lưu ý là không có liều thuốc kỳ diệu nào có thể giúp bỏ thuốc lá nếu chính bản thân của đối tượng không quyết tâm.

  • Cai thuốc lá bằng ý chí và quyết tâm

Mặc dù khó khăn, trên thế giới đã có hàng triệu người bỏ thuốc lá thành công. Chương trình vận động ngưng hút thuốc lá của Tổ chức Sức khỏe Thế giới đưa ra chiến lược ngưng hút thuốc lá gồm 5 bước và người muốn cai thuốc lá được khuyến khích đi từ bước này sang bước khác để đạt được thành công. Chiến lược 5 bước bao gồm:

- Bước 1: Chưa có ý định cai thuốc lá

- Bước 2: Có ý định cai thuốc lá

- Bước 3: Chuẩn bị kế hoạch

- Bước 4: Thực hiện cai thuốc lá

- Bước 5: Củng cố thành tích đạt được, chống tái nghiện.

Dầu rằng có nhiều người chưa thể đạt được thành công ngay nhưng chỉ cần từ chỗ chưa hề có ý định bỏ thuốc lá đi đến có ý định bỏ thuốc lá đã là 1 điều rất đáng quý rồi. Để chuyển từ bước 1 sang bước 2, đối tượng cần được vận động, thuyết phục và phải có sự năng động cần thiết, từ bước 2 sang bước 3, đối tượng cần được cung cấp đầy đủ các thông tin, ở những bước sau, đối tượng cần có kế họach hành động cụ thể. Bạn bè, đồng nghiệp và nhất là gia đình cần là chỗ dựa tinh thần để động viên giúp đở và khuyến khích.

Các biện pháp cụ thể để cai thuốc lá:

  • Quyết định cai thuốc lá.

  • Trao đổi với bác sỉ hoặc nhân viên sức khỏe về cách dùng thuốc và cách đối phó với ý muốn hút thuốc lại.

  • Chọn 1 ngày thuận tiện làm ngày bắt đầu cai thuốc lá và cố gắng đừng hõan lại vì mọi lý do.

  • Trước ngày bắt đầu cai thuốc lá, giặt sạch quần áo và làm hết mùi thuốc lá trong phòng ngủ, phòng làm việc, xe hơi …

  • Vứt bỏ tòan bộ các vật dụng có liên quan đến thuốc lá như hộp quẹt, gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc…

  • Không hút thuốc lá trong suốt ngày được chọn bắt đầu ngưng hút và những ngày sau đó.

  • Không đến những nơi có thể làm hút thuốc lá trở lại, tìm cách không đi ngang nới có quầy thuốc lá vẫn thường mua…

  • Bạn bè, đồng nghiệp và gia đình cần khuyến khích và tạo điều kiện để không hút thuốc lá trở lại.

  • Chuẩn bị sẳn những cách từ chối khi bị mời thuốc lá.

Bạn cũng có thể tham khảo nội dung bướm tuyên truyền, vận động bỏ thuốc lá của Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP Hồ Chí Minh:

Bạn có thể cai thuốc lá chỉ trong 5 ngày!

Ngày thứ nhất: Ghi rõ lý do thấy cần bỏ hút thuốc lá. Trong ngày đầu bạn phải chống chọi với những cơn nghiện thuốc lá. Mỗi khi thấy qúa ghiền cần phải hút thuốc lá, hãy ghi lại lý do tại sao phải hút thuốc lá. Mua thuốc lá từng điếu và đổi sang hút loại thuốc không ưa lắm. Khi hút, kẹp thuốc bằng các ngón tay, bàn tay khác sao cho thấy vướng víu khó khăn.

Ngày thứ nhì: Phấn đấu giảm còn ½ số thuốc hút ngày thứ nhất, có thể dùng cách cắt ngắn điếu thuốc. Hãy làm việc gì đó để quên cơn nghiện thuốc. Tránh những thói quen gợi lại việc hút thuốc như uống rượu, cà phê hay đến những nơi mình thường ngồi hút thuốc. Và đừng quên ghi lý do mỗi lần cần phải hút thuốc lá.

Ngày thứ ba: Rà soát lại lý do tại sao phải hút thuốc lá, tìm cách bớt đi số thuốc lá đã hút. Chống lại cơn ghiền bằng cách tìm việc gì khác để làm hoặc luyện thở như sau : hít vào sâu đồng thời đếm thầm từ 1 đến 8 , nín thở đếm từ 1 đến 4, thở ra từ từ đếm từ 1 đến 8. Thở như vậy vài lần.

Ngày thứ 4: Ném bỏ tất cả các thứ còn thừa liên quan đến thuốc lá như thuốc lá thừa, gạt tàn thuốc hộp quẹt…, tiếp tục vượt qua cơn ghiền bằng cách thở như trên. Làm gì đó cho thật bận rộn, đi mua sắm, xem sách báo, nghe nhạc, xem phim … mỗi khi cơn nghiện thuốc lá đến nên nhai kẹo và uống thật nhiều nước. Lúc cơn ghiền thuốc lá đến, bạn có thể thấy khô đắng miệng, toát mồ hôi, đói bụng. Không sao cả, cứ nhấm nháp ăn cái gì đó sẽ thấy đỡ.

Ngày thứ năm: Tiếp tục thực hiện duy trì mục tiêu đã đạt được của ngày hôm qua. Bạn có thể nhờ Nha sĩ đánh bóng, cạo vôi làm sạch bộ răng để vĩnh viễn không còn bị khói thuốc ám nữa. Ngày hôm nay vượt qua được thì mai, ngày kia và mãi mãi bạn không còn là nô lệ của thuốc lá nữa.

  • Trong suốt 5 ngày trên, bạn nên tuyên bố với người thân, bạn bè để được sự ủng hộ, động viên, nhắc nhở đồng thời tránh những cám dỗ như hút thuốc lá trước mặt, mời đi uống cà phê, mời thuốc lá …

  • Bạn có thể ho nhiều hơn trước nhưng chỉ một tuần là khỏi. Ho để tống hết chất độc tồn đọng trong phổi bao lâu là điều cần thiết.

  • Bạn có thể thấy đói, ăn nhiều hơn, lên cân. Nếu sợ mập hãy năng vận động, tập thể dục, chơi thể thao, ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế ăn nhiều mỡ, dầu.

  • Nếu sau 5 ngày vẫn chưa bỏ được thuốc lá thì sao? Hãy làm lại từ đầu. Một lần thất bại là kinh nghiệm tốt hơn cho những lần sau. Tiếp tục theo đuổi, thành công sẽ chờ đón bạn.

  • Mọi thắc mắc và mọi kinh nghiệm dù thành công hay thất bại với phương pháp bỏ thuốc lá này, bạn hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP Hồ Chí Minh 59B Nguyễn Thị Minh Khai quận I TP Hồ Chí Minh ĐT 38224878.

  • Sử dụng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá:

Từ trước năm 1900 đã có rất nhiều các loại thuốc nhằm tạo ra cảm giác khô miệng, đắng miệng, giảm vị giác khi hút thuốc nhằm giúp cai thuốc lá. Chế phẩm được bán rộng rãi nhất trong những năm 1960 là lobeline (CigArrest*, Nitrobant*), nhưng đến năm 1982, tổ chức FDA của Mỹ đưa ra kết luận rằng thuốc này không có hiệu quả. Đến nay, trên thế giới có 3 loại thuốc có hiệu quả hỗ trợ cai thuốc lá: nicotine thay thế (mảnh dán da hoặc kẹo nhai); bupropion và varenicline. Cần chú ý các loại dược phẩm này đều chỉ nhằm hỗ trợ chứ không thay thế quyết tâm cai thuốc lá có kế hoạch.

1. Nicotine thay thế:

Vì nicotin là chất gây nghiện nên khi cai thuốc lá đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng như bứt rứt, mệt mỏi, kém tập trung, trầm cảm, mất ngủ, dễ nóng nảy tức giận… thường xảy ra trong tuần lễ đầu tiên sau khi ngưng thuốc. Trong những trường hợp này, cần phải cung cấp 1 lượng nicotin để xoa dịu nhu cầu nicotin của cơ thể nhưng không phải qua khói thuớc lá mà sử dụng dưới dạng mảnh dán da hoặc kẹo nhai (chewing-gum). Trong các chế phẩm này đều có chứa 1 lượng nicotin chỉ bằng 1/3 đến ½ lượng nicotin có trong điếu thuốc lá. Dùng nicotin có thể giúp bỏ thuốc lá dễ dàng hơn và khả năng bỏ thuốc lá thành công tăng lên gấp 2 lần. Nicotine thay thế thường được chỉ định ở những bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng và thời gian dùng kéo dài khoảng 6 – 8 tuần, dùng lâu hơn thường không cần thiết. Điều cần lưu ý rất quan trọng là chỉ sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc nicotin khi đã ngưng hút thuốc lá hoàn tòan. Nếu vẫn còn tiếp tục hút thuốc lá thì lượng nicotin trong thuốc lá lại được cộng thêm 1 lượng nicotin nữa và không những không giúp ích gì mà còn làm tăng khả năng ngộ độc nicotin. Ngòai ra không nên dùng các thuốc có nguồn gốc nicotin khi đang có thai. Sử dụng chế phẩm dạng nào thì tùy thuộc vào ý thích của mỗi người

  • Nicotin dán da: Các tên thương mại là Nicopatch, Nicoderm, ProStep, Habitrol… Thường có 3 lọai với kích thước 30cm2, 20cm2, 10cm2. Đối với những người hút > 20 điếu/ngày nên dùng bắt đầu với lọai 30cm2 và những người hút < 20 điếu/ ngày nên khởi đầu bằng lọai 20 cm2. Sau khi sử dụng được khoảng 2 – 3 tuần thì giảm liều bằng cách chuyển sang các mảnh dán có kích thước nhỏ hơn (từ lọai 30 cm2 sang 20 cm2 hay từ 20 cm2 sang 10 cm2). Sau khi dùng lọai 10cm2 khoảng 2 – 3 tuần thì có thể ngưng hẳn.

 

2 – 3 tuần đầu

2 – 3 tuần kế

2 – 3 tuần cuối

HTL > 20điếu/ ngày

30cm2

20cm2

10cm2

HTL < 20điếu/ ngày

20cm2

10cm2

ngưng

 Nicotin dán da có thể được hấp thu ở bất kỳ vùng da nào nhưng nên chọn những vùng da sạch, khô, không có lông, không có vết thương hoặc sẹo. Người ta thường dán ở ngực, bụng hoặc mặt trước phần trên cánh tay. Nên thay đổi chỗ dán mỗi ngày để tránh kích thích đỏ da và nên bắt đầu dán vào 1 thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng. Khi dán dùng bàn tay ép sát vào mảnh dán trong vòng 10 giây để cho mảnh dán bám chặt vào da, nhất là ở các mép. Các mảnh dán này được để kéo dài suốt ngày kể cả khi tắm rửa hay bơi lội và chỉ thay mảnh khác khi bị bong tróc ra. Tùy lọai chế phẩm mà mảnh dán nên được dán suốt 16 giờ mỗi ngày (bóc ra trước khi ngủ) hay 24 giờ mỗi ngày (bóc ra vào sáng hôm sau). Tác dụng phụ thường gặp là đỏ da, ngứa hay nóng rát ở chỗ dán, có thể khắc phục bằng cách đổi chỗ dán thường xuyên hay đổi sang hiệu khác. Thời gian sử dụng trung bình là 2 tháng, tối đa là 4 tháng, dùng lâu hơn nữa không cần thiết. 

Các chế phẩm nicotine dán da và vị trí dán thường dùng 

  • Nicotin kẹo nhai (chewing gum):

Nicotin dạng kẹo nhai thường có tên thương mại là Nicorette, Nicotin chewing gum. Có lọai 2mg và lọai 4mg. Lượng nicotin trong kẹo được hấp thu khi nhai và tùy thuộc vào lượng nước bọt tiếp xúc với kẹo. Nếu mẫu kẹo bị nuốt thì lượng nicotin trong kẹo không được hấp thu trong dạ dày. Khi nhai cần phải chú ý nhai hết sức chậm rãi và dừng lại nhiều lần trong khi nhai sao cho mỗi mẩu chewing gum được nhai trong vòng 30 phút để cho lượng nicotin được phóng thích ra từ từ (nhai 1 cái dừng lại vài giây, nhai 10 cái dừng lại độ 2 phút). Không được nhai cùng lúc nhiều mẩu kẹo và cũng không được nhai liên tiếp hết mẩu này đến mẩu kia để tránh ngộ độc. Mỗi ngày dùng không quá 30 miếng 2mg hay không quá 15 miếng 4mg, trung bình khoảng 8 – 12 miếng mỗi ngày, giảm số lượng dần dần và ngưng hẵn khi chỉ còn dùng khoảng 1 – 2 miếng mỗi ngày. Xen giữa những lúc nhai kẹo nicotinnên ngậm kẹo ngọt để làm giảm bớt cảm giác lạt miệng. Tránh không uống trong khi đang nhai nhất là các dạng nước uống có tính acid như cà phê, nước ngọt, nước trái cây… và tránh ăn trong vòng 15 phút trước và sau khi nhai. Thời gian sử dụng ít nhất 1 – 3 tháng mặc dù có 15 – 20% bệnh nhân dùng đến > 1 năm. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, viêm niêm mạc miệng, nổi áp - tơ, viêm lưỡi, bệnh về răng, nấc cụt… 

Các chế phẩm nicotine kẹo nhai

 2. Bupropion

Bupropion dạng viên phóng thích chậm (Tên thương mại Zyban*, Nicostop*) là loại thuốc giúp cai thuốc lá không có nguồn gốc nicotin. Thuốc này trước tiên là loại thuốc chống trầm cảm, được dùng để điều trị chứng trầm cảm ở những người cai thuốc lá, sau đó cho thấy có những hiệu quả giúp cai thuốc lá và kể từ đó chỉ dùng để hỗ trợ cai thuốc lá. Thuốc này cũng đem lại hiệu quả tốt và cũng giúp khả năng bỏ thuốc lá dễ dàng hơn gấp 2 lần như nicotin.

Bupropion nên được cho uống 1 tuần trước khi bắt đầu bỏ thuốc lá để đạt nồng độ ổn định trong máu. Liều dùng thông thường là 150 mg 2 lần mỗi ngày, dùng liên tục trong 7 – 12 tuần. Sau 12 tuần, nếu người bệnh vẫn chưa cai thuốc lá được thì nên ngưng thuốc và tìm cách điều trị khác. Tác dụng phụ thường gặp là mất ngủ, khô miệng nhưng thường nhẹ và dễ khắc phục khi giảm liều. Các tác dụng phụ khác ít gặp hơn nhưng thường khiến phải ngưng thuốc là sẩn ngứa ở da và run. Không được dùng bupropion nếu đang có thai hoặc cho con bú.

3. Varenicline

Varenicline là thuốc hỗ trợ cai thuốc lá mới vừa được tung ra trên thị trường (hiện chưa có tại Việt Nam, tên thương mại là Champix*, Chantix*). Varenicline vừa làm giảm cảm giác thèm hút thuốc lá vừa làm giảm sự sảng khoái khi hút thuốc. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc vì tác dụng phụ có thể gặp là gây trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử. Không dùng thuốc ở trẻ < 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú.

Vai trò của chính phủ, ngành y tế trong cuộc chiến chống thuốc lá

Để hỗ trợ cho người bệnh cai thuốc lá, việc chống hút thuốc lá cần phải được ưu tiên hàng đầu ở mỗi nước dựa vào các biện pháp cộng đồng được áp dụng với tầm cỡ quốc gia. Các biện pháp cộng đồng bao gồm các luật lệ hữu hiệu để hạn chế hút thuốc lá: cấm tất cả các hình thức quảng cáo trực tiếp và gián tiếp các nhãn hiệu thuốc lá, tăng giá thuốc, cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm nhập khẩu thuốc lá … Ở một số nước đang phát triển, việc ngăn chặn thuốc lá gặp khó khăn do nền kinh tế còn nhiều giới hạn nên các nguồn thu từ thuế thuốc lá là 1 nguồn thu không nhỏ cho ngân sách và vì vậy trả giá đắt cho sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, tệ nạn buôn thuốc lá lậu khó kiểm sóat nổi cũng làm đau đầu những người có trách nhiệm và làm tăng nhanh mức độ tiêu thụ thuốc lá.

Riêng trong ngành y tế, các bác sĩ cần thông tin cho bệnh nhân về hiểm họa của thuốc lá đối với sức khỏe và giúp họ ngưng thuốc. Vai trò của các nhân viên y tế mang lại tỉ lệ thành công khá cao trong các chương trình tham vấn cai thuốc lá. Nhân viên y tế có thể là bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ , nha sĩ, y tá, chuyên viên tâm lý học. Ngay cả những lần tham vấn ngắn (kéo dài khoảng 3 phút) cũng làm tăng tỉ lệ bỏ thuốc lá thành công thêm 5 – 10%. Bác sĩ, nhất là các bác sĩ đa khoa nên đặt vấn đề bỏ thuốc lá đối với tất cả các bệnh nhân có hút thuốc lá dù người bệnh đế khám không có biểu hiện gì của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc đến khám vì các nguyên nhân không có liên quan gì đến các căn bệnh do thuốc lá.

Như vậy, với sự tiến bộ của y học, việc cai thuốc lá ngày nay đã dễ dàng hơn nhiều. Xin được nhắc lại rằng dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, dù đã hút thuốc lá nhiều hay ít, dù thuốc lá đã ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe của bạn, cai thuốc lá cũng đem lại ích lợi cho sức khỏe của bạn. Và chiến thắng vẻ vang nhất chính là chiến thắng chính bản thân mình. 

Chúc các bạn thành công!

BS Tường Oanh

Hình ảnh: Image courtesy of Mister GC at FreeDigitalPhotos.net