TS BS ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

 

Những triệu chứng báo động

Những biểu hiện sau đây có thể gặp phải khi mắc bệnh ung thư phổi

Ho kéo dài – Biểu hiện hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài, tuy nhiên ho cũng là triệu chứng thường gặp của hầu hết các loại bệnh hô hấp khác. Khi bị cảm cúm, nhiễm trùng hô hấp thì người bệnh cũng thường ho, kèm theo hắt hơi, sổ mũi nhưng thường sẽ khỏi bệnh trong vài ngày đến 1 – 2 tuần. Nếu triệu chứng ho kéo dài trên 3 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để được bác sĩ khám và định bệnh đúng hơn.

Các biểu hiện khác – Khi khối u tiến triển dần, nó sẽ gây ra các triệu chứng ngày càng nhiều hơn. Ho và khạc ra máu hoặc đàm lẫn máu, đau tức ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau nữa bệnh nhân có thể biểu hiện gầy ốm, sụt cân, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, nổi hạch vùng cổ…

Không có triệu chứng – Cũng cần lưu ý có xấp xỉ khoảng 5 - 10% người bệnh được chẩn đoán ung thư phổi không kèm theo triệu chứng báo động nào cả mà chỉ do phát hiện tình cờ khi chụp phim X quang ngực. Những trường hợp này thường là do kích thước của khối u còn khá nhỏ vì vậy chưa gây ra các ảnh hưởng trên hệ hô hấp và cơ thể nói chung.

Đừng quá lo lắng – Nói đi cũng phải nói lại là không phải hễ người bệnh có các triệu chứng nêu trên đều mắc ung thư phổi cả đâu; phần lớn các trường hợp sau khi chẩn đoán xác định đều là lành tính. Ví dụ: Bệnh lao phổi khá thường gặp ở nước ta cũng có các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, sụt cân, gầy ốm…tương tự như các biểu hiện của ung thư phổi, tuy nhiên bệnh lao phổi lại có thể trị lành hoàn toàn. Lời khuyên hữu ích là khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên chúng ta không nên chủ quan mà nên đi khám sớm để được chẩn đoán và theo dõi bệnh đúng. Nhất là các anh, các chú hút thuốc lá có triệu chứng ho húng hắng kéo dài thường hay chủ quan cho rằng mình ho vì thuốc lá, nhưng đến khi đi khám thì đã trễ vì khối u ở phổi đã tiến triển.

Phòng tránh ung thư phổi ra sao?

Cai thuốc lá

Hút thuốc lá vẫn được coi là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng hàng đầu, không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút mà còn cho cả gia đình, vợ con, người thân chung sống trong nhà. Vì vậy làm sao bỏ được thuốc lá là điều cần nên làm trước hết để phòng tránh ung thư phổi. Trong các gói thuốc lá hiện nay đều có in dòng chữ cảnh báo ung thư phổi nhưng số lượng thuốc lá tiêu thụ hầu như không giảm bao nhiêu. Có người không cai thuốc lá được do thói quen lâu ngày khó bỏ, có người thì do bị lệ thuộc với chất ni -cô -tin có trong khói thuốc lá (thiếu chất đó thì không thể nào chịu nổi). Vì vậy, ngày nay giới y học cũng có nhiều loại thuốc để giúp cho người muốn cai thuốc dễ dàng hơn (miếng dán, viên nhai, viên uống…). Một điều không thể thiếu là cần phải có sự quyết tâm của người muốn cai thuốc. Vừa có quyết tâm cai thuốc lá thật cao vì sức khỏe của mình và gia đình mình, vừa có sự tư vấn hỗ trợ của nhân viên y tế và các loại thuốc men giúp cai thuốc, chắc chắn bạn sẽ cai thuốc lá thành công. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cai thuốc, nên liên hệ Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí số 1800-6606 trong khung giờ 8g – 22g hàng ngày.

Biết sớm trị lành

Khối u ở phổi khi mới xuất hiện thì khá im lìm, nhưng khi phát triển to dần thì sẽ gây ra các triệu chứng như đã trình bày ở trên. Nếu khối u phổi tiến triển càng lâu, kích thước càng lớn và nếu đã có xâm lấn, lan tràn qua các cơ quan khác thì hầu như không thể điều trị được nữa. Ngược lại, nếu khối u được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa lành bệnh càng cao. Câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể phát hiện bệnh sớm, rất sớm, ngay khi chưa có biểu hiện triệu chứng gì cả? Chụp hình phổi hay thử máu để biết?

Thông thường, khám sức khỏe định kỳ có chụp X quang phổi hàng năm cũng có thể phát hiện sớm một số trường hợp ung thư phổi. Tuy nhiên do kỹ thuật chụp phim X quang phổi có thể làm bỏ sót nhiều trường hợp, hiện nay các chuyên gia về hô hấp khuyên nên chụp phim CT (xi – ti) phổi liều thấp hàng năm để có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Đây là kỹ thuật chụp phim cắt lớp ở lồng ngực với liều tia X phóng ra chỉ bằng 1/3 so với liều thông thường, nhờ đó vừa giảm ảnh hưởng sức khỏe do giảm tiếp xúc với tia X, lại vừa tiết kiệm chi phí. Có 2 đối tượng nên chụp phim xi – ti ngực liều thấp hàng năm là

- Người trung niên, lớn tuổi vẫn còn đang hút thuốc lá hoặc đã cai thuốc lá chưa lâu (chưa đến 15 năm).

- Người có người thân ruột thịt như cha mẹ, anh chị em đã bị ung thư phổi.

Một số người thường đến các phòng xét nghiệm để thử máu tìm bệnh ung thư phổi và cả một số bệnh ung thư khác. Tuy nhiên, các loại xét nghiệm máu này thường không chính xác, có trường hợp thì bỏ sót bệnh không phát hiện kịp thời, có trường hợp thì các chỉ số tăng cao nhưng lại không có bệnh gây lo lắng vô ích.

Bác sĩ định bệnh ra sao?

Người bệnh và thầy thuốc

Khi người bệnh có những biểu hiện như ho kéo dài, ho ra máu, khò khè, sụt cân…như đã nêu ở trên nên chủ động đi khám bác sĩ để được định bệnh chính xác hơn, không nên bỏ qua hoặc tự điều trị. Bác sĩ sẽ thăm hỏi và khám bệnh bằng cách nghe, gõ, sờ nắn thật tỉ mỉ và nếu có ít nhiều nghĩ đến ung thư phổi thì phải nhờ đến các kỹ thuật cận lâm sàng để định bệnh cho chắc chắn.

Chụp chiếu phổi – Hình ảnh học lồng ngực

Khi bác sĩ muốn xác định rõ ràng hơn những tổn thương nằm trong phổi, thường sẽ cho người bệnh chụp phim phổi để quan sát thật kỹ lưỡng. Các kỹ thuật chụp phim ở lồng ngực bao gồm:

- Chụp phim X quang phổi, hay còn gọi là X quang ngực (vì nhìn thấy cả lồng ngực chứ không chỉ phổi). Cách chụp này vừa rẻ tiền, vừa nhanh lại vừa ít ảnh hưởng sức khỏe người bệnh nhưng có khuyết điểm là không thể nhìn rõ được đầy đủ hai lá phổi vì có nhiều chỗ bị che khuất.

- Chụp phim cắt lớp ngực liều thấp, hay còn gọi là chụp phim CT (xi – ti) ngực liều thấp. Phim cắt lớp liều thấp quan sát đầy đủ hơn phim X quang phổi nhưng chỉ có tác dụng tìm bệnh mà thôi. Nếu phát hiện ra các tổn thương bất thường trong phổi thì một số trường hợp sẽ phải chụp lại phim cắt lớp lồng ngực để quan sát cho rõ.

- Chụp phim cắt lớp lồng ngực. Kỹ thuật này đắt tiền và sử dụng lượng tia X khá nhiều nhưng có thể quan sát thật kỹ, thật đầy đủ bằng cách ‘cắt’ lá phổi ra tùng lát mỏng để xem (đúng như tên gọi của nó). Bác sĩ còn có thể cho chỉ định chụp kèm với tiêm thuốc cản quang vào mạch máu người bệnh để quan sát rõ hơn. 

Còn kỹ thuật chụp cộng hưởng tử MRI (đọc nôm na là ‘em rai’) thì ít sử dụng trong các bệnh lý phổi, chỉ dùng trong một số ít trường hợp đặc biệt mà thôi.

Nội soi - Mắt thần y học

Thật ra, các hình ảnh về khối u phổi mà các bác sĩ nhìn thấy được trên các loại phim nêu trên cũng chỉ là hình ảnh mà thôi, cũng chưa thể định bệnh được chắc chắn đây là bệnh ung thư phổi hay không! Có nhiều trường hợp bị nhầm lẫn do hình dạng bên ngoài thì giống nhau như bản chất thì lại khác nhau. Vì vậy các bác sĩ cần phải lấy một ít tế bào của khổi u để quan sát trên kính hiển vi cũng như thực hiện thêm một số kỹ thuật chuyên sâu. Muốn làm được điều này, bác sĩ cần phải nội soi phổi, tức là đưa dụng cụ (ống soi) đi qua mũi hoặc miệng vào phổi đến chỗ khối u và lấy ra một ít mô khối u (gọi là sinh thiết). Nội soi và sinh thiết khôi u phổi như vậy rất cần thiết vì 2 lý do:

- Có thể xác định chắc chắn đây có phải là ung thư phổi hay không.

- Có thể biết được đây là loại ung thư nào để có hướng điều trị khác nhau

Có một số lời đồn trong dân gian cho rằng “chạm dao kéo vào khối ung thư sẽ làm cho khối ung thư phát triển mạnh hơn”, khiến cho nhiều người bệnh từ chối nội soi, sinh thiết hay phẫu thuật, làm cho việc định bệnh cũng như điều trị bệnh rất khó khăn. Cũng xin thưa rằng những lời đồn này không chính xác, và y học ngày nay đã có những bước tiến rất dài trong lãnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Quý cô bác có những biểu hiện tương tự như bệnh ung thư phổi nên đi khám sớm và hợp tác với bác sĩ thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu để có thể được định bệnh hoặc loại trừ ung thư phổi một cách chính xác nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Chấn Hùng – Cẩm nang phòng trị ung thư – NXB Tổng hợp TPHCM 2023

2.    Mayo Clinic – Lung cancer: sympstoms and causes – mayoclinic.org/diseases-lungcancer- March 2022

3.    Centers for Disease Control and Prevention – Basic ìnormation about lung cancer- cdc.gov/cancer/lung-basic -info index.html 2023.