Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

Nhiễm Adenovirus và sự bùng phát: Những điều cần biết.

 

Adenovirus là một loại vi-rút có thể gây ra nhiều loại bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng thần kinh và nhiễm trùng mắt. Trong một số trường hợp, nó có thể nặng đến mức gây tử vong.

Sự bùng phát của adenovirus đã trở nên thường gặp hơn. Các trường hợp gần đây vào năm 2018 bao gồm các nhóm người bị nhiễm trùng trong một khuôn viên trường đại học ở Maryland, trong một cơ sở điều dưỡng nhi khoa và trong một trung tâm phục hồi chức năng dành cho người lớn ở New Jersey. Các bùng phát xảy ra khắp thế giới và có thể ảnh hưởng đến hàng trăm người như các vụ bùng phát được báo cáo từ các trường trung học và căn cứ quân sự ở châu Á.

Adenovirus là gì?

Adenovirus thực sự là một nhóm vi rút, vốn là một nguyên nhân thường gặp gây nhiễm vi rút ở tất cả các nhóm tuổi. Có ít nhất 90 loại riêng biệt của nhóm vi rút này.

Khi bạn phơi nhiễm adenovirus, thường thường, giai đoạn trước khi các triệu chứng xuất hiện (thời gian ủ bệnh) thay đổi từ 2 ngày đến 2 tuần. Hầu hết mọi người sẽ có triệu chứng trong 5-6 ngày sau khi phơi nhiễm. Một người cũng có thể bị bệnh do vi rút đã có sẵn trong cơ thể (nhiễm trùng tiềm ẩn) và hoạt động trở lại (kích hoạt lại).

Adenovirus được lây từ người này sang người khác như thế nào?

Bạn có thể bị nhiễm adenovirus khi phơi nhiễm với người có vi rút hoặc chạm vào bề mặt hoặc vật thể đã bị nhiễm vi rút. Bạn có thể hít vi rút trong những bọt nước trong không khí do người khác ho hoặc hắt hơi ra. Bạn có thể bị nhiễm trùng khi tiếp xúc với tay của người vốn đã chạm vào mắt bị nhiễm trùng (kết mạc) hoặc mũi hoặc đàm. Một người bị tiêu chảy có thể phát tán vi rút qua phân. Có thể bị nhiễm vi rút khi chạm vào bề mặt hoặc vật dụng mà người đã nhiễm trùng ho ra hoặc hắt hơi ra hoặc chạm vào. Vi rút có thể sống còn đến 30 ngày trên các bề mặt trong môi trường. Vi rút này cũng đã được báo cáo có trong nước không khử clo và gây viêm kết mạc (mắt đỏ) do bơi trong nước này.

Khi nào nhiễm Adenovirus xảy ra và ai có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất?

Nhiễm Adenovirus có thể xảy ra trong bất kỳ mùa nào nhưng chúng có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào mùa đông và đầu mùa xuân. Hầu hết các trường hợp nhiễm adenovirus xảy ra ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi). Người lớn ở trong môi trường kín hoặc đông đúc, như trong ký túc xá, khu quân đội, viện dưỡng lão hoặc bệnh viện cũng có nguy cơ cao hơn.

Các triệu chứng nhiễm trùng do adenovirus là gì?

Hai hệ cơ quan bị ảnh hưởng bởi adenovirus thường gặp nhất là đường hô hấp và đường tiêu hóa. Nhiễm trùng có thể xuất hiện dưới dạng “cảm cúm” đường hô hấp trên. Cũng có thể phát sinh nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sốt, thở nhanh, khò khè và đau họng. Adenovirus cũng có thể gây ra tiêu chảy, nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc hoặc mắt đỏ) và thậm chí nhiễm trùng đường tiết niệu. Hiếm gặp hơn, nó có thể đi kèm với viêm gan, viêm não và/hoặc viêm cơ tim.

Hầu hết các nhiễm trùng đều nhẹ và khỏi bệnh mà không cần điều trị. Hiếm khi có người bị bệnh nặng, có thể dẫn đến suy hô hấp và suy gan và tử vong.

Nhiễm adenovirus được chẩn đoán như thế nào?

Adenovirus có thể được phân lập bằng cách nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong vài ngày. Tuy nhiên, hiện nay đã có các xét nghiệm nhanh để chẩn đoán nhiễm adenovirus bằng cách làm phết mũi hoặc làm phết họng hoặc lấy mẫu đàm.

Các xét nghiệm này sử dụng PCR dựa trên phân tử và phát hiện kháng nguyên để tìm thấy sự hiện diện của vi rút mà không cần phải nuôi cấy nó. Trong các trường hợp nặng, vi rút có thể được phát hiện trong máu. X quang ngực có thể có các dấu hiệu viêm phổi nhưng những dấu hiện này không đặc hiệu với adenovirus.

Điều trị nhiễm adenovirus như thế nào?

Nhiều người bị nhiễm adenovirus không cần điều trị do các triệu chứng nhẹ.

Chăm sóc hỗ trợ có thể bao gồm việc giảm dịch tiết mũi bằng nước muối và hút. Có thể chống nghẹt mũi cho một số người bằng nước muối ưu trương hoặc albuterol.

Tuy nhiên, ở một số người, adenovirus có thể dẫn đến bệnh nặng và thậm chí tử vong. Những người bị suy hô hấp hoặc các triệu chứng tiêu hóa nặng, hoặc những người suy giảm miễn dịch có thể cần được điều trị bằng thuốc kháng vi rút như cidofovir. Theo dõi xét nghiệm vi rút trong phòng thí nghiệm có thể được sử dụng để theo dõi đáp ứng với điều trị.

Có vaccine để ngăn ngừa adenovirus không?

Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn một loại vắc xin chống lại một số loại vi rút (loại huyết thanh 4 và 7), vốn gắn liền với các đợt bùng phát và các trường hợp nặng, nhưng chỉ sử dụng trong quân đội và không có cho công chúng.

Ngăn ngừa nhiễm adenovirus như thế nào?

Biện pháp phòng ngừa hàng đầu là rửa tay thường xuyên. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.

Khử trùng vật dụng có vi rút (quần áo, dụng cụ và đồ nội thất) là khó khăn, vì vi rút kháng nhiều chất khử trùng. Làm sạch bề mặt bằng nhiệt và các sản phẩm tẩy rửa.

Những người bị nhiễm trùng và đang nằm trong bệnh viện cần được cách ly. Bạn nên tránh tiếp xúc gần gủi với người bệnh. Bất cứ ai bị bệnh nhiễm virut nên ở nhà và tránh lây lan ra. Sự phát tán vi rút (được phóng khỏi cơ thể) có thể tiếp diễn trong vài ngày đến vài tuần ngay cả sau khi người đó khỏi cơn bệnh cấp tính, do đó những người vốn đã nhiễm bệnh vẫn có thể lây sang người khác ngay cả khi họ có vẻ khỏe mạnh.

Có nên khai báo các trường hợp nhiễm adenovirus?

Hiện tại, có hai hệ thống theo dõi nhiễm adenovirus tại Hoa Kỳ, được tiến hành bởi các phòng thí nghiệm lâm sàng vốn cung cấp xét nghiệm.

Nhân viên y tế điều trị và bệnh nhân không cần khai báo thêm.

Tác giả: Charles S. Dela Cruz MD, PhD, Susan Pasnick,Jane E. Gross MD, PhD, Jon Keller, MD, W.Graham Carlos MD, Bin Cao, MD, Shazia Jamil MD
Người phản biện: Marianna Sockrider MD, DrPH
Người dịch: Lê Thị Tuyết Lan - Trần Thanh Lộc

Các bước hành động

Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm adenovirus, hãy ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác.
+ Tìm kiếm bác sĩ nếu bạn khó thở hoặc có các triệu chứng nặng khác.
+ Rửa tay cẩn thận để tránh nhiễm trùng.
+ Vệ sinh tất cả các bề mặt có thể tiếp xúc với các bọt nước từ bệnh nhân hoặc bị bệnh nhân chạm vào.

Nguồn tài liệu

Hội Lồng ngực Hoa Kỳ
www.thoracic.org/patients

Trung tâm phòng chống bệnh
https://www.cdc.gov/adenovirus/about/index.html

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ
https://www.healthychildren.org/English/healthissues/conditions/infections/Pages/Adenovirus-Infections.aspx

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân

Nguồn: American Thoracic Society https://www.atsjournals.org/doi/pdf/10.1164/rccm.1997P13