- Chi tiết
-
Được đăng: 02 Tháng 12 2015
Tình hình bệnh viêm phổi ở trẻ em hiện nay:
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Thật thế, dù ở nước giàu hay nước nghèo, mỗi năm một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc NKHHCT từ 5 – 8 lần. Phần lớn trẻ sẽ tự khỏi nhưng trong khoảng ¼ trường hợp bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi.
Dù tử vong do viêm phổi đã giảm 58% nhờ những cố gắng lớn trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 1990-2013, nhưng đến nay viêm phổi vẫn còn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong năm 2013, 14% tử vong trẻ em trên toàn thế giới là do viêm phổi. 99% tử vong này xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp. Theo báo cáo của UNICEF và TCYTTG (2013), viêm phổi đã giết khoảng 935.000 trẻ dưới 5 tuổi mỗi năm, nhiều hơn tử vong của HIV/AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới, nghĩa là cứ 35 giây lại có một trẻ chết vì viêm phổi! Chưa có bệnh lý nào làm trẻ em tử vong nhiều đến như vậy!
Ở Việt Nam, ngay từ năm 1984 đã có chương trình phòng chống viêm phổi ở trẻ em. Việt Nam chính là quốc gia thứ nhì trên thế giới và đầu tiên ở châu Á có chương trình này. Tuy vậy, hiện nay viêm phổi vẫn còn là vấn đề quan trọng ở nước ta. Thật vậy, theo thống kê gần đây của TCYTTG, Việt Nam có số trường hợp viêm phổi trẻ em nhiều thứ 9 trên thế giới, với khoảng 2,9 trường hợp viêm phổi ở trẻ em hàng năm. Hàng năm vẫn có khoảng 4000 trẻ em Việt Nam chết vì viêm phổi, chiếm 12% tử vong chung ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tuy thế, hiện nay nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về căn bệnh nguy hiểm này. Mặc dù viêm phổi có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng vẫn không được quan tâm đầy đủ.Thậm chí, TCYTTG và UNICEF đã phải ví von viêm phổi như một “sát thủ bị lãng quên đối với trẻ em”.
Vào tháng 4/2009, 4 tổ chức quốc tế đã thành lập một liên minh nhằm cứu sống tính mạng của hàng triệu trẻ bằng cách phòng ngừa và điều trị viêm phổi. Từ 4 tổ chức ban đầu này, Liên minh toàn cầu chống viêm phổi trẻ em đã mở rộng với hơn 100 tổ chức thành viên.
Lần đầu tiên trên thế giới đã phát động ngày Viêm phổi thế giới vào ngày 02/11/2009 với thông điệp “Chiến đấu với viêm phổi. Cứu sống trẻ thơ”. Đây được xem là một cơ hội nhằm huy động, cổ vũ sự quan tâm của toàn cầu trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em này. Và năm nay, ngày 12/11/2015 tiếp tục được xem là ngày Viêm phổi thế giới. Slogan của ngày Viêm phổi thế giới 2015 là: “Đếm từng nhịp thở. Chận đứng ngay viêm phổi” (“Every breath counts. Stop pneumonia now”).
Các thông điệp chính cần biết nhân ngày viêm phổi thế giới 12/11/2015:
-
Viêm phổi chính là thủ phạm hàng đẩu làm trẻ dưới 5 tuổi tử vong, ước tính cứ 35 giây có một trẻ chết vì viêm phổi trên thế giới.
-
Viêm phổi gây nên một gánh nặng kinh tế cho gia đình, cộng đồng và các chính phủ.
-
Kiểm soát viêm phổi.đòi hỏi một chương trình can thiệp toàn diện bao gồm các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa và điều trị bệnh.
Các biện pháp bảo vệ chống viêm phổi: bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và dinh dưỡng thích hợp cho trẻ đến 5 tuổi; rửa tay thường xuyên và cung cấp nước sạch và các phương tiện vệ sinh; loại trừ ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là khói bếp.
Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi: Chủng ngừa phế cầu, HIb, ho gà và sởi; bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy; phòng ngừa nhiễm HIV ở trẻ em và kháng sinh dự phòng cho trẻ nhiễm HIV.
Điều trị viêm phổi:
-
Kháng sinh, như amoxicillin chẳng hạn, có thể phòng ngừa đa số tử vong do viêm phổi nhưng là thuốc không đắt tiền.
-
Áp dụng chiến lược xử trí lồng ghép giúp trẻ có thể nhận được biện pháp điều trị viêm phổi thích hợp và kịp thời.
Cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc y tế và tăng cường nhận thức của cộng đồng là yếu tố quyết định để kiểm soát viêm phổi.
Dành cho các bậc cha mẹ: những điều cần biết để phát hiện sơm viêm phổi tại nhà
-
Khi trẻ ho duới 30 ngày: trẻ có thể đã bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
-
Thở nhanh: dấu hiệu sớm nhất để giúp phát hiện viêm phổi
Trẻ dưới 2 tháng tuổi: thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên
Trẻ từ 2 – 11 tháng tuổi: thở nhanh khi nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên
Trẻ từ 1- 5 tuổi: thở nhanh khi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên
-
Khi trẻ thở co lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực của trẻ lõm vào khi trẻ hít vào): trẻ có thể đã bị viêm phổi nặng – cần nhập viện ngay
-
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm sau, trẻ có thể đã mắc một bệnh rất nặng - cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay:
Trẻ dưới 2 tháng: bỏ bú hay bú kém (bú ít hơn ½ lượng sữa bình thường), co giật, ngủ li bì, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.
Trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi: không uống được, co giật, ngủ li bì, thở có tiếng rít.
ThS BS Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa Hô hấp – BV Nhi Đồng 1