Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

DỤNG CỤ MIỆNG CHỐNG NGƯNG THỞ LÚC NGỦ Ở NGƯỜI LỚN

Dụng cụ miệng là các thiết bị có thể được sử dụng để điều trị người bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) nhẹ hoặc vừa phải và ngủ ngáy. Có nhiều loại dụng cụ miệng khác nhau. Thường gặp là: Dụng cụ đẩy hàm dưới (Mandibular Advancement Devices - MAD), Khung đẩy hàm dưới (Mandibular Advancement Splints - MAS), Dụng cụ tái định vị hàm dưới (Mandibular Repositioning Applia nces - MRA), hoặc Dụng cụ giữ lưỡi (Tongue Retaining Devices - TRD).

 

Dụng cụ miệng giữ lưỡi ở vị trí làm cho đường thở mở ra khi bạn ngủ. Các dụng cụ này được đặt vào trong miệng của bạn vào ban đêm trước khi bạn ngủ và đeo trong suốt thời gian bạn ngủ và được lấy ra khi bạn thức dậy

Dụng cụ miệng hoạt động như thế nào?

Dụng cụ miệng đẩy hoặc kéo hàm dưới của bạn về phía trước. Bằng cách này, lưỡi của bạn được giữ ở vị trí không làm nghẽn tắc đường thở. Do đó làm giảm nguy cơ ngáy hoặc nguy cơ lưỡi làm nghẽn tắc đường thở của bạn trong khi ngủ. Nếu dụng cụ này hiệu quả, tiếng ngáy ngủ của bạn có thể biến mất hoàn toàn hoặc giảm xuống.

Dụng cụ này hiệu quả ra sao?

Như với tất cả các điều trị, không phải ai cũng hưởng lợi giống nhau từ các dụng cụ miệng. Đối với một số người, ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ và ngáy sẽ biến mất hoàn toàn, trong khi đối với những người khác, cần phải điều trị với các hình thức khác. Các dụng cụ miệng có lẽ hữu hiệu nếu bạn bị ngưng thở lúc ngủ nhẹ hoặc vừa; bằng chứng gần đây cũng ủng hộ việc sử dụng cho người bị ngưng thở lúc ngủ nặng. Nếu ngưng thở khi ngủ của bạn cải thiện khi bạn nằm nghiêng (so với nằm ngửa) và nếu bạn không dư cân, bạn có lẽ cũng hưởng lợi hơn từ dụng cụ này. Nếu bạn bị ngưng thở lúc ngủ trung tâm (là tình trạng ít gặp hơn ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ), thì các dụng cụ miệng có lẽ không hữu ích. Chỉ đến khi bạn đã được trang bị đúng và dùng thử nó mới biết được nó sẽ tốt như thế nào cho bạn.

Dụng cụ miệng tốt như thế nào so với CPAP?

CPAP (Áp suất đường thở dương liên tục) là phương pháp điều trị đáng tin cậy cho ngưng thở lúc ngủ. Kết quả tức thời thấy rõ với CPAP bất kể ngưng thở lúc ngủ nặng nhẹ ra sau. Dụng cụ miệng thường cải thiện ngưng thở lúc ngủ, nhưng có thể không kiểm soát nó hoàn toàn. Nếu bạn bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ vừa hoặc nặng, CPAP có lẽ hữu hiệu hơn dụng cụ miệng. Tuy nhiên, dụng cụ miệng có thể là một lựa chọn tốt hơn là không điều trị gì cả nếu bạn không thể chịu được CPAP. Dụng cụ miệng cũng không phải là liệu pháp chính nếu bạn có bệnh tim nặng hoặc rất buồn ngủ vào ban ngày. Trong những trường hợp này, CPAP là cách điều trị tốt nhất. Chuyên gia về giấc ngủ có thể hướng dẫn liệu pháp thích hợp nhất cho bạn.

 

Có tác dụng phụ nào khi sử dụng dụng cụ miệng không?

Nếu vừa vặn, dụng cụ miệng sẽ thoải mái trong đêm. Tuy nhiên, bởi vì nó đẩy hàm ra phía trước, một số người cảm thấy khó chịu khi sử dụng dụng cụ lần đầu tiên. Sự khó chịu này có xu hướng cải thiện khi bạn sử dụng nó nhiều lần hơn. Nếu cảm giác khó chịu xảy ra, nó thường ở khớp ở phía sau xương hàm của bạn, ngay trước tai (khớp thái dương - hàm). Sự khó chịu này sẽ biến mất khi bạn tháo dụng cụ ra vào buổi sáng. Dụng cụ miệng cũng có thể làm tăng nước bọt trong miệng, hoặc làm cho bạn cảm thấy cấn răng. Những triệu chứng này thường nhanh chóng ổn thỏa khi bạn sử dụng thiết bị nhiều lần hơn. Theo thời gian, răng có thể bị lệch, khớp cắn có thể bị thay đổi hoặc có vấn đề với các khớp và cơ xương hàm của bạn. Điều quan trọng là phải được nha sĩ đã cung cấp dụng cụ theo dõi đều đặn để phát hiện và xử trí sớm các vấn đề.

Làm thế nào tôi có được dụng cụ miệng?

Nhân viên y tế có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ để biết ngưng thở lúc ngủ của bạn xấu đến mức nào. Đánh giá này thường cần phải khảo sát giấc ngủ qua đêm và một cuộc tái khám riêng với chuyên gia về giấc ngủ để nói chuyện về kết quả và thảo luận các lựa chọn điều trị. Nếu bạn quyết định dùng thử dụng cụ miệng, chuyên gia về giấc ngủ sẽ giới thiệu bạn đến một nha sĩ có đào tạo chuyên sâu về điều trị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ.

Dụng cụ có cần phải được lắp vừa vặn cho riêng tôi không?

Mỗi người có một hình dạng miệng và hàm khác nhau, vì vậy bạn nên có dụng cụ miệng được chế tạo vừa vặn với bạn. Nha sĩ sẽ lấy dấu răng của bạn và gửi khuôn răng đến nơi chế tạo dụng cụ. Sau vài tuần, bạn sẽ quay trở lại văn phòng nha sĩ, nơi lắp dụng cụ vào miệng của bạn. Nó sẽ được điều chỉnh để có thể đẩy hàm dưới của bạn đến một vị trí có hiệu quả nhưng vẫn cảm thấy thoải mái. Nha sĩ của bạn sẽ giám sát việc điều chỉnh dụng cụ trong vài tuần. Sau khi thiết bị lắp đặt vừa vặn, cần được nha sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ tái khám. Có một số loại dụng cụ nha khoa được bán không cần kê đơn (không cần toa bác sĩ). Những dụng cụ này rẻ hơn, nhưng thường không sử dụng được. Chúng có thể chiếm chỗ trong miệng quá nhiều, đẩy lưỡi của bạn về phía họng và làm cho ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ của bạn nặng hơn. Có được dụng cụ vừa vặn là quan trọng trong việc giúp bạn ngủ ngon hơn.

Tôi nên chăm sóc dụng cụ miệng như thế nào?

Mỗi đêm, bạn nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa trước khi lắp dụng cụ. Nha sĩ có thể kê toa kem fluoride để giúp ngăn ngừa hủy hoại răng khi sử dụng dụng cụ. Mảng bám cũng có thể tích tụ trên dụng cụ. Do đó, bạn phải làm sạch nó hàng ngày. Hãy chắc chắn làm khô nó mỗi ngày trước khi sử dụng lại. Ngoài ra, hãy để dụng cụ của bạn an toàn cách xa trẻ em và thú nuôi.

Làm cách nào để biết dụng cụ có hiệu quả không?

Khi dụng cụ miệng hoạt động tốt sẽ không có ngáy ngủ. Nếu bạn mang dụng cụ vì ngưng thở lúc ngủ, bạn có thể thấy cải thiện tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi và các triệu chứng khác của ngưng thở lúc ngủ. Một cách tốt để xem dụng cụ miệng có hữu ích không là lập lại khảo sát giấc ngủ qua đêm khi mang dụng cụ miệng. Nếu khảo sát cho thấy dụng cụ miệng đã cải thiện ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ của bạn, bạn nên tiếp tục sử dụng nếu mỗi đêm. Nếu nó không hữu hiệu, các phương pháp điều trị khác (như CPAP) sẽ được khuyến cáo.

Tôi phải làm gì nếu dụng cụ miệng của tôi có vẻ không hoạt động tốt?

Nếu các triệu chứng ngáy ngủ hoặc ngưng thở lúc ngủ tái phát (ví dụ, cảm thấy mệt mỏi trong ngày), điều quan trọng là phải có hẹn tái khám với nha sĩ hoặc chuyên gia giấc ngủ của bạn. Nha sĩ có thể phải điều chỉnh dụng cụ. Sau nhiều năm, một số người sử dụng dụng cụ miệng thấy rằng họ cần phải xem xét các phương pháp điều trị khác cho ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ của họ, đặc biệt là nếu họ đã tăng cân.

Tác giả: Sutapa Mukherjee MBBS, FRACP, PhD

Phản biện:Suzanne C. Lareau RN, MS; James Metz, DDS, DABDSM; Mickey Harrison, DDS; Marianna Sockrider, MD, DrPH

Người dịch: Trần Thanh Lộc - BS Lê Thị Tuyết Lan

Các bước thực hiện

Dụng cụ miệng có thể thuận tiện hơn các hình thức trị liệu khác, nhưng nếu bạn sử dụng dụng cụ, phải chắc chắn rằng nó được lắp đặt vừa vặn và giải quyết được các vấn đề về giấc ngủ của bạn

+ Nói chuyện với chuyên gia về giấc ngủ để xem dụng cụ miệng có hữu ích không

+ Nếu dụng cụ không cải thiện các triệu chứng, hãy báo cáo lại cho chuyên gia của bạn

+ Theo đúng lịch tái khám với chuyên gia về giấc ngủ và/hoặc nha sĩ của bạn

+ Làm sạch dụng cụ của bạn hàng ngày

Nguồn tài liệu

Viện y học giấc ngủ Hoa Kỳ
http://www.sleepeducation.com/disease-management/oral-appliance-therapy/overview

 Hội ngưng thở lúc ngủ Hoa Kỳ
http://www.sleepapnea.org/diagnosis-and-treatment/treatment-options.html

Hội sức khỏe giấc ngủ Úc
http://www.sleephealthfoundation.org.au/informationlibrary/information-by-topic.html

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân

Nguồn: American Thoracic Society http://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/oral-appliances-sleep-apnea.pdf