- Chi tiết
-
Được đăng: 16 Tháng 1 2018
Khi con người đang bị chậm lại trong cuộc đua với vi khuẩn, vi khuẩn đang tiến hóa ngày càng tinh vi hơn các loại kháng sinh từng được dùng để tiêu diệt nó, việc ngăn chặn đề kháng kháng sinh trở thành vấn đề bức bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Đề kháng kháng sinh không phải là mới, hiện đã tiến triển đến mức độ rất nguy hiểm cho nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về nó. Theo ước tính, đến 2050, số người tử vong vì đề kháng kháng sinh sẽ có thể lên đến con số 10 triệu người[1]. Những chia sẻ hữu ích dưới đây từ các chuyên gia y tế đầu ngành sẽ cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh về vấn đề này.
Cơ chế của đề kháng kháng sinh là như thế nào?
Theo PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cơ chế của đề kháng kháng sinh có thể được hiểu đơn giản như sau: khi người bệnh sử dụng kháng sinh, thuốc kháng sinh sẽ tác động trên một hay nhiều bộ phận của tế báo vi khuẩn và tiêu diệt gần như tất cả các loại vi khuẩn, trừ một số loại có khả năng kháng thuốc. Vi khuẩn đề kháng kháng sinh bằng cách thay đổi các đặc tính ( cấu trúc hay chuyển hoá …) của các bộ phận của tế báo vi khuẩn làm cho kháng sinh không còn tác dụng giết chết vi khuẩn , sinh ra kháng thuốc . Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác khiến thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc.
Nguyên nhân gây ra đề kháng kháng sinh bao gồm kê toa kháng sinh khi không cần thiết và bệnh nhân không tuân thủ điều trị, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hệ thống vệ sinh yếu kém, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt, chưa có kháng sinh mới.
Sử dụng kháng sinh tràn lan khiến tình trạng đề kháng thuốc tăng cao
Độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh điều trị trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng hiện nay như thế nào?
PGS. TS. DS Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi ADR, Trưởng bộ môn Dược, trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ, những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, nhóm cephalosporin, và nhóm macrolid. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động. Chẳng hạn, với các kháng sinh thông thường nhóm beta-lactam như peniclin và cephalosporin thì phế cầu khuẩn còn tương đối nhạy cảm, nhưng nồng độ ức chế tối thiểu của kháng sinh so với vi khuẩn có xu hướng tăng lên. Như vậy, để các kháng sinh này có hiệu quả thì chế độ liều phải tăng hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ kháng kháng sinh macrolid của phế cầu và vi khuẩn Hib tại Việt Nam lên đến 80%, cao nhất so với các nước Châu Á.
Trước thực trạng tăng tỷ lệ đề kháng một số loại kháng sinh khá phổ biến, việc lựa chọn kháng sinh phù hợp cần phải dựa trên những yếu tố nào?
Theo PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, để kiểm soát và ngăn chặn đề kháng kháng sinh cần có sự thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh. Quan trọng nhất là khâu kê toa. Có 8 nguyên tắc kê toa dành cho bác sĩ, trong đó 3 nguyên tắc then chốt là chỉ kê toa kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, tối ưu hóa dược lâm sàng khi kê toa, và cần khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Cụ thể khi kê toa, theo PGS. TS. DS Nguyễn Hoàng Anh, y bác sĩ cần dựa trên 3 căn cứ chính là vi khuẩn gây bệnh, kháng sinh và người bệnh. Đầu tiên cần biết về vi khuẩn gây bệnh, vì sử dụng kháng sinh là để tấn công vi khuẩn. Cho dù không phải trường hợp nào cũng có được kết quả vi sinh để trên cơ sở đó lựa chọn kháng sinh phù hợp, nhưng bác sĩ có thể căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn, những vi khuẩn thường gặp tại vị trí đó, và đặc biệt là tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đó đối với kháng sinh định lựa chọn.
Thứ hai là phải biết về kháng sinh, từ phổ tác dụng, dược động học, dược lực học, khả năng thấm tới vị trí nhiễm khuẩn, tác dụng không mong muốn, độc tính, và giá thành.
Yếu tố thứ ba là người bệnh. Cần nắm rõ có phải là đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận, hay những người có cơ địa dị ứng. Căn cứ vào nhiễm khuẩn của người bệnh, tiên lượng để từ đó lựa chọn kháng sinh.
Ngoài nỗ lực từ phía nhân viên y tế, thì về phía ngành dược phẩm đã có những đóng góp như thế nào trong vấn đề đề kháng kháng sinh?
Đại diện GSK, …, chia sẻ: GSK là một trong những công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển hàng đầu trên thế giới, nên chúng tôi hiện đang rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp chống lại đề kháng kháng sinh. Bên cạnh việc điều chế vắc-xin mới nhằm bảo vệ cộng đồng trước các tác nhân gây bệnh và giảm sự lệ thuộc vào kháng sinh, GSK hiện đã triển khai Khảo sát đề kháng kháng sinh (SOAR) tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đo lường độ nhạy cảm của các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng. Thông qua SOAR, chúng ta có thể đánh giá về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, từ đó phát triển các phác đồ điều trị mới, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định/sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.
REFERENCES
1. https://amr-review.org/background.html