- Chi tiết
-
Được đăng: 15 Tháng 1 2018
Option 1: “Quy tắc 4Đ” trong lựa chọn kháng sinh an toàn và hợp lý
Option 2: Lựa chọn kháng sinh dưới góc độ của dược lâm sàng
Việc sử dụng kháng sinh tràn lan đang khiến nhân loại phải trả giá khi tình trạng kháng thuốc tăng ở mức báo động. Để kháng sinh vẫn còn phát huy tác dụng trong điều trị nhiễm khuẩn, việc lựa chọn, sử dụng kháng sinh an toàn và hợp lý đóng vai trò then chốt.
30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương[1] - con số báo động về tình trạng sử dụng kháng sinh bất hợp lý tại Việt Nam. Chúng ta cần nâng cao tầm quan trọng về việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý.
Bài phỏng vấn dưới đây với PGS. TS. DS. Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi ADR, Trưởng bộ môn Dược, trường Đại học Dược Hà Nội, sẽ bàn rõ hơn về vấn đề này dưới góc độ của dược lý, dược lâm sàng.
PGS có thể chia sẻ thêm về tình trạng sử dụng kháng sinh hiện nay không?
Trong quá trình nghiên cứu tình trạng sử dụng kháng sinh trên thực tế, chúng tôi thấy có 2 điểm cần rút kinh nghiệm nhiều nhất là: tác dụng phụ của thuốc và thái độ của nhân viên bán thuốc đối với kháng sinh.
Tác dụng phụ liên quan đến kháng sinh rất đa dạng, từ mức độ nhẹ như phát ban, mề đay, mẩn ngứa, cho đến các trường hợp nặng như phát ban toàn thân, loét các hốc tự nhiên, và nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ cũng được ghi nhận khá nhiều tại Việt Nam. Khi phân tích những ca này, chúng tôi thấy có rất nhiều trường hợp có thể tránh được nếu như bệnh nhân chú ý hơn đến tiền sử dùng thuốc, dị ứng của bản thân và không tự ý dùng thuốc hay mua thuốc kháng sinh ngoài hiệu thuốc.
Mặt khác, các nghiên cứu thực hiện với chính các nhân viên ở nhà thuốc cho thấy kiến thức của họ còn tương đối hạn chế về việc lựa chọn kháng sinh hợp lý, tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc cũng như những dặn dò cần thiết cho bệnh nhân.
Như vậy theo quan điểm của ông thì việc lựa chọn kháng sinh cần thực hiện như thế nào cho phù hợp?
Lựa chọn kháng sinh cần đảm bảo hợp lý và an toàn, nên có “4 chữ Đ” chúng ta cần hướng tới là: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách. Cụ thể, chọn kháng sinh không nên dựa vào thế hệ cũ - mới, hoặc giá thành của thuốc, mà quan trọng nhất là kháng sinh được lựa chọn phải có phổ tác dụng tác dụng trên vi khuẩn nghi ngờ gây bệnh, thấm được vị trí nhiễm khuẩn và phù hợp với cơ địa người bệnh. Về liều dùng, nếu thiếu sẽ không đạt hiệu quả điều trị và khơi mào cho vi khuẩn kháng thuốc, còn nếu quá cao thì gây ra các tác dụng phụ. Thời gian dùng kháng sinh cũng không thể ngắn quá hay dài quá. Cuối cùng là phải luôn theo dõi, đánh giá đúng cách trong quá trình điều trị về phác đồ điều trị, các tác dụng không mong muốn, để điều chỉnh kịp thời.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hoàng Anh, lựa chọn kháng sinh cần đảm bảo “quy tắc 4Đ”: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách.
Việc phối hợp nhiều kháng sinh có nên hay không thưa ông?
Không cần phải phối hợp nhiều loại kháng sinh khi không cần thiết. Việc phối hợp này chỉ được ưu tiên trong các trường hợp như: khi điều trị kinh nghiệm (tức không biết căn nguyên gây bệnh nhưng nhiễm khuẩn thấy trên bệnh nhân là rất nặng đòi hỏi phải có phác đồ đúng ngay từ đầu), trên những nhiễm khuẩn nghi ngờ có vai trò của nhiều loại vi khuẩn khác nhau (đa khuẩn), trên những bệnh nhân có tiên lượng nặng, có cơ địa xấu và nhiều bệnh mắc kèm theo.
Ông có lời khuyên gì dành cho bệnh nhân và nhân viên y tế về việc hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh?
Đối với nhân viên y tế, quan trọng là phải lựa chọn đúng kháng sinh. Đã điều trị nhiễm trùng là phải đánh thật nhanh và mạnh, do đó các y bác sĩ cần tuân thủ nguyên tắc lựa chọn kháng sinh đúng dựa trên phổ tác dụng, đặc tính dược động học của kháng sinh và cơ địa của bệnh nhân, ưu tiên sử dụng những kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn, nếu cần thiết thì phải phối hợp kháng sinh hợp lý, chế độ liều luôn phải đảm bảo để tránh kháng thuốc.
Về phía bệnh nhân, cần tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý mua, sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, và cần theo dõi thường xuyên hiệu quả sử dụng, các tác dụng không mong muốn, báo lại cho bác sĩ để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Xin cám ơn ông.
Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO nhân tuần lễ Đề kháng kháng sinh Toàn cầu, VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Tp.HCM phối hợp cùng Hội Hô hấp Tp.HCM thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhằm cung cấp kiến thức cũng như nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh.
REFERENCES
1. http://dantri.com.vn/suc-khoe/khang-khang-sinh-o-viet-nam-cao-nhat-the-gioi-20171113070319572.htm
[1] http://dantri.com.vn/suc-khoe/khang-khang-sinh-o-viet-nam-cao-nhat-the-gioi-20171113070319572.htm